Dream Of A Final Theory

Steven Weinberg

Mơ Về Một Lý Thuyết Cuối Cùng

Nguyễn Austin chuyển ngữ

 

(Tặng cho những ai còn mơ hồ về hai chữ “vô thần.”)

23 tháng 4, 2011

 

CHƯƠNG XI : VẬY THÌ, CHÚA LÀ CÁI GÌ?

“Em biết đấy,” Port nói, giọng mơ màng như được thốt lên sau một thời gian lặng nghỉ.
“Bầu trời thật lạ lùng. Anh thường có cảm giác này mỗi khi nhìn lên. Trên ấy là một khối cô đặc bảo vệ cho chúng ta khỏi những gì đến từ phía sau nó”.
Kit chợt thoáng rùng mình và nói:”Từ cái gì phía sau?”
- “Ừa”
- “Nhưng cái gì ở phía sau?”
Giọng nàng chợt nhỏ đi.
- “Không có gì, Anh chỉ giả định như thế. Chỉ có bóng tối. Tuyệt đối là ban đêm”

Paul Bowles, Bầu trời ẩn chứa.

Bầu trời tuyên vinh Chúa, và bầu trời chứng tỏ sự tạo tác của Người” Đối với vua David hay bất kỳ người nào khác đã viết nên thánh thi này thì các ngôi sao dường như phải là những chứng cớ có thể nhìn thấy của một thứ tự hòan hảo hơn về sự hiện hữu. Nó hoàn toàn khác với thế giới vô tri, trần thế của sỏi đá và cây cối. Từ thời David trở đi, mặt trời và những hành tinh khác đã mất đi vị thế đặc biệt của chúng vì ngày nay chúng ta hiểu rằng chúng chỉ là những qủa cầu rực rỡ bằng khí được giữ lại bởi lực hấp dẫn và chống lại sự suy sụp bằng áp suất do sức nóng từ các phản ứng hạt nhân trong nhân các ngôi sao. Những ngôi sao chẳng nói điều gì với chúng ta về vinh quang của Chúa hơn là những viên đá trên mặt đất chung quanh ta. Nếu chúng ta khám phá trong thiên nhiên có điều gì đó có thể cho chúng ta cái nhìn xuyên suốt vào sự tạo tác của Chúa thì điều đó hẳn là những định luật sau cùng của tự nhiên. Biết được các định luật đó thì chúng ta đã sở hữu những qui luật chi phối các ngôi sao, đất đá và mọi thứ khác.

Do vậy, cũng là điều dễ hiểu khi Stephen Hawking đã ám chỉ các định luật của tự nhiên như là “chủ tâm của Chúa”. Một số nhà vật lý khác, Charles Misner, đã dùng ngôn ngữ tương tự khi so sánh viễn ảnh của vật lý và hoá học: ”Các nhà hoá học hữu cơ khi trả lời câu hỏi -” tại sao lại có 92 yếu tố và chúng được tạo ra khi nào?” có thể trả lời rằng “người ở văn phòng bên cạnh biết điều đó”. Cũng như thế, các nhà Vật lý khi được hỏi,” tại sao vũ trụ lại được hình thành theo các định luật vật lý mà không tuân theo điều gì khác?” cũng có thể trả lời: ”chỉ có Chúa mới biết”.

Einstein một lần đã lưu ý với người phụ tá Ernst Straus rằng: “Điều thật sự làm tôi quan tâm chính là liệu Chúa có sự chọn lựa nào đó trong việc tạo nên thế giới hay không”. Vào một dịp khác ông ta mô tả mục đích của các công trình Vật lý như là “không chỉ để biết về tự nhiên và những vận hành của nó mà còn để đạt được, càng xa càng tốt, cái mục đích không tưởng và có vẻ ngạo mạn để hiễu rằng tại sao thiên nhiên lại như thế mà không khác đi….Nói như thế, người ta nghiệm ra rằng chính Chúa cũng không thể sắp đặt những ràng buộc theo bất kỳ một cách nào khác hơn là cách thức đang thật sự hiện hữu….Đó chính là yếu tố thần thoại của kinh nghiệm khoa học….Đối với tôi thì chính ở nơi này là sự thần kỳ của các nỗ lực khoa học.”….

Bằng cách dùng cụm từ ”nói như thế” tín ngưỡng của Einstein mơ hồ đến nỗi tôi ngờ rằng ông ta chỉ ám chỉ đến điều này một cách ẩn dụ. Nó không gây ngờ vực bởi vì vật lý cơ bản đến nỗi cái ẩn dụ này rất tự nhiên đối với các nhà vật lý. Có một lần, nhà thần học Paul Tillich nhận xét rằng trong những nhà khoa học chỉ có các nhà Vật lý dường như là có khả năng dùng từ:”Chúa” mà không gây nhầm lẫn. Cho dù có tín ngưỡng hay không thì đó cũng là một ẩn dụ không thể khước từ khi nói về những định luật sau cùng của tự nhiên như là chủ tâm của Chúa.

Phương tiện thí nghiệm
 Superconducting Super collider

Đã có một lần tôi thấy mối liên hệ này ở một nơi hơi lạ - tòa nhà Rayburn ở Washington. Khi đó, năm 1987, tôi chứng thực và ủng hộ cho dự án “máy va chạm dùng siêu dẫn” (Superconducting Super collider-SSC) trước hội đồng Khoa học ,Không gian và Kỹ thuật. Tôi đã mô tả về cách thức mà chúng tôi đã phát hiện ra các định luật ngày càng trở nên mạch lạc và phổ biến trong những nghiên cứu về hạt cơ bản và làm thế nào mà chúng tôi cũng đã bắt đầu nghi ngờ rằng điều này hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên, các định luật này có vẻ đẹp khi phản ánh điều gì đó được xây dựng trong cấu trúc của vũ trụ ở một tầm mức rất sâu. Sau khi tôi đưa ra những nhận định, có những nhận xét và câu hỏi được đặt ra bởi những người tham dự khác và những thành viên trong hội đồng. Thế rồi, nó đưa đến một cuộc đối thoại giữa hai thành viên hội đồng: dân biểu Cộng hòa của tiểu bang Illinois, Harris W.Fawell, người ủng hộ dự án SSC và một dân biểu Cộng hòa khác của tiểu bang Pennsylvania, Don Ritter, cựu kỹ sư luyện kim và là một trong những người phản đối kịch liệt dự án này trong quốc hội:

MR. FAWELL:….Cám ơn rất nhiều. Tôi tán thưởng sự chứng thực của các bạn. Tôi nghĩ rằng điều đó rất tuyệt vời. Nếu có lúc nào đó tôi muốn giải thích cho mọi người về lý do tại sao SSC lại cần thiết, chắc chắn tôi sẽ phải dùng sự chứng thực của các bạn. Nó sẽ rất có ích. Đôi khi tôi mong ước cho chúng ta có một từ ngữ nào đó có thể nói hết tất cả và điều đó là không thể nào được. Tôi nghĩ rằng có lẽ Tiến sĩ Weinberg đã đến gần với điều này và tôi không chắc lắm nhưng tôi đã ghi lại. Tiến sĩ đã nói, ông ngờ rằng đó hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên mà có những qui luật chi phối vật chất và tôi đã ghi sơ lược như thế, có phải rằng điều này sẽ làm cho chúng ta tìm thấy Chúa? Tôi chăc rằng tiến sĩ không khẳng định điều đó, nhưng chắc chắn rằng chúng ta có khả năng để hiểu rất nhiều hơn về vũ trụ?

MR.RITTER: Các ông sẽ bỏ cuộc về dự án đó chứ? Nếu các ông nhượng bộ vào lúc này, tôi có thể nói….

MR.FAWELL: Tôi không chắc mình sẽ muốn như thế.

MR. RITTER: Nếu cái máy này làm được điều đó, tôi sẽ phải thay đổi ý kiến và ủng hộ nó.

Tôi có cảm giác rằng mình nên đứng ngoài cuộc trao đổi này, bởi vì tôi không nghĩ rằng các vị dân biểu này muốn biết những gì tôi đã nghĩ về việc tìm thấy Chúa ở dự án SSC và cũng vì, dường như đối với tôi thì cho họ biết những suy nghĩ của tôi về điều này chẳng mang lại ích lợi nào cho dự án.

Một số người có quan niệm rất rộng và uyển chuyển về Chúa đến nỗi mà chắc chắn họ sẽ tìm thấy Chúa ở bất kỳ nơi nào họ đi tìm. Người ta thường được nghe nói rằng:” Chúa là tối cao” hay “ Chúa là những gì tốt hơn trong thiên nhiên” hay là “ Chúa là vũ trụ”. Dĩ nhiên, giống như bất kỳ một từ ngữ nào khác, chữ “Chúa” có thể được gán cho bất kỳ ý nghĩa nào mà chúng ta muốn. Nếu bạn muốn nói rằng :”Chúa là năng lượng” thì bạn sẽ tìm thấy Chúa ở nơi đống than đen. Nhưng nếu những chữ này sẽ có gía trị nào đó đối với chúng ta thì chúng ta phải tôn trọng cách thức mà chúng được sử dụng nó theo lịch sử và nhất là chúng ta phải giữ sự phân biệt rạch ròi để ngăn ngừa những ý nghĩa khác của những từ này xuất hiện nơi những từ ngữ khác.

Trong tinh thần đó, dường như đối với tôi , nếu chữ “Chúa” được sử dụng với nhiều ý nghĩa, thì nó nên được dùng để nói đến một vị Chúa đang được quan tâm: kẻ sáng tạo, một người làm nên các luật lệ không chỉ cho thiên nhiên, vũ trụ mà còn cho những tiêu chuẩn về cái thiện và cái ác, một nhân cách nào đó chú tâm đến hành động của chúng ta hoặc là một điều gì đó, ngắn gọn là, thích hợp cho chúng ta tôn thờ*. Đó chính là vị Chúa đã có ảnh hưởng lớn lao đến con người xuyên suốt lịch sử. Đôi khi, các nhà khoa học và một số người khác dùng từ “Chúa” để ám chỉ điều gì đó thật trừu tượng và lỏng lẻo đến độ khó mà phân biệt được Ngài và các định luật của tự nhiên. Có một lần Einstein đã nói rằng ông tin vào “ một Chúa của Spinoza, người đã bộc lộ mình trong sự trật tự hài hòa của hiện hữu mà không tin vào một Chúa chỉ quan tâm đến số phận và những hành động của con người”. Nhưng nếu chúng ta sử dụng từ ngữ “Chúa” với ý nghĩa là “ trật tự”, “hài hòa” thì liệu nó có tạo nên một sự khác biệt khả dĩ nào đối với mọi người ngoại trừ , có lẽ là, để tránh sự lên án về chuyện “không có Chúa”? Dĩ nhiên, người ta có quyền sử dụng chữ “Chúa” theo cách đó và đối với tôi dường như nó cũng chẳng làm cho khái niệm Chúa sai lầm qúa đáng cũng như là trở nên không quan trọng.

Liệu chúng ta sẽ tìm ra một vị Chúa trong những định luật sau cùng của thiên nhiên? Dường như có điều gì hầu như là vô nghĩa khi đặt câu hỏi này; không chỉ vì chúng ta chưa biết đến các định luật sau cùng mà phần lớn là vì khó mà có thể tưởng tượng rằng chúng ta có thể sở hữu các nguyên lý cuối cùng mà không cần đến những sự giải thích chúng bằng các nguyên lý sâu xa hơn. Câu hỏi có thể là hơi sớm, nhưng khó mà không tự hỏi rằng liệu chúng ta sẽ tìm ra một câu trả lời nào đó cho những câu hỏi sâu xa nhất của chúng ta, tìm ra những dấu hiệu vận hành của một vị Chúa trong một lý thuyết sau cùng. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không tìm được.

Lịch sử của khoa học cho thấy tất cả kinh nghiệm của chúng ta có xu hướng theo chiều ngược lại ; nghĩa là hướng đến sự phi nhân tính (impersonality) trong các định luật thiên nhiên. Bước tiến vĩ đại đầu tiên dọc theo lộ trình này chính là sự làm sáng tỏ bầu trời. Ai cũng biết những khuôn mặt điển hình: Copernicus-người đã đề nghị trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, Galileo-người đã chứng tỏ sự đúng đắn cùa Copernicus, Bruno - người đã tiên đoán mặt trời chỉ là một trong muôn vàn ngôi sao và Newton- người đã chứng tỏ những định luật như nhau về chuyển động và lực hấp dẫn áp dụng cho cả hệ mặt trời lẫn các vật thể trên trái đất. Tôi nghĩ rằng tầm quan trọng chính là sự quan sát của Newton về cùng một định luật hấp dẫn chi phối chuyển động của mặt trăng chung quanh trái đất và của cả những vật rơi trên bề mặt trái đất.

Trong thế kỷ của chúng ta, sự giải mật bầu trời đã tiến một bước xa hơn bởi nhà vũ trụ học người Mỹ Edwin Hubble. Bằng việc đo khoảng cách đến tinh vân Andromeda và bằng phép ngoại suy cho hàng ngàn những tinh vân tương tự, Hubble đã chứng tỏ rằng các tinh vân này không phải là phần rìa xa xôi của thiên hà của chúng ta mà chúng cũng chính là các thiên hà rất ấn tượng như thiên hà của chúng ta vậy. Những nhà vũ trụ học ngày nay còn nói đến nguyên lý Copernic: một lý thuyết về vũ trụ học không được xem là đứng đắn khi đặt thiên hà của chúng ta ở một vị trí đặc biệt nào đó trong vũ trụ.

Edwin Hubble tinh vân Andromeda

 

Cuộc sống cũng đã được giải mật. Justus von Liebig và những nhà hóa hữu cơ khác trong những năm đầu của thế kỷ 19 đã chứng tỏ rằng không có sự trở ngại nào cho việc tổng hợp những chất hóa học gắn liền với sự sống như axít uric. Quan trọng hơn hết chính là Charles Darwin và Alfred Russel Wallace, những người đã chứng tỏ làm thế nào mà những khả năng của sinh vật lại có thể tiến hóa thông qua sự chọn lọc tự nhiên mà không có kế hoạch hay sự dẫn dắt nào từ bên ngoài. Qúa trình giải mật đã tăng tốc trong thế kỷ này bằng sự tiếp nối thành công của ngành sinh hóa và sinh học phân tử trong việc giải thích sự vận hành của các sinh vật.

Đối với sự nhạy cảm tôn giáo, sự giải mật sự sống đã có một tác động vượt xa và lớn lao hơn bất kỳ những khám phá nào trong ngành vật lý. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng chính luận thuyết về sự giản hóa (reductionism) trong sinh học và thuyết tiến hóa, chứ không phải là những khám phá của vật lý học và vũ trụ học, đang tiếp tục gợi lên những chống đối không khoan nhượng [của tôn giáo].

Ngay cả trong giới những nhà khoa học, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe những gợi ý về luận thuyết Sức Sống (Vitalism)- một niềm tin rằng không thể giải thích các qúa trình sinh học bằng các hiện tượng vật lý và hóa học. Trong thế kỷ này, các nhà sinh học (bao gồm những người chống đối luận thuyết Giản hóa như Ernst Mayr) cũng thường tránh xa luận thuyết về Sức Sống này, nhưng vào năm 1944, trong một cuốn sách nổi tiếng của mình Sự sống là gì? Erwin Shrodinger đã lập luận rằng “đã đủ biết về cấu trúc vật chất của sự sống để nói một cách chính xác tại sao vật lý ngày nay lại không thể giải thích sự sống”. Ông ta cho rằng những thông tin về di truyền chi phối các cơ quan của sự sống rất không ổn định để ăn khớp với thế giới của những thăng giáng liên tục được mô tả trong cơ lượng tử và vật lý thống kê. Sự sai lầm của Shrodinger đã được chỉ ra bởi Max Perutz, một nhà sinh học phân tử đã nghiên cứu về cấu trúc của hemoglobin cùng với những nghiên cứu khác như sau: Shrodinger đã không biết đến sự ổn định được tạo nên bởi qúa trình hóa học được biết đến như sự xúc tác enzym.

Hiện nay sự phê phán có tính chất kinh điển, đáng kính trọng nhất về sự tiến hóa có thể là của giáo sư Phillip Johnson ở trường Luật, đại học California. Johnson thừa nhận rằng sự tiến hóa đã xảy ra và đôi khi nó do sự chọn lọc tự nhiên nhưng ông ta cho rằng không có “một chứng cứ thực nghiệm hiển nhiên” để cho rằng sự tiến hóa không được dẫn dắt bởi một kế hoạch thần thánh nào đó. Dĩ nhiên, người ta không bao giờ hy vọng chứng minh được rằng không có một cơ chế siêu nhiên luôn luôn mách bảo sự sắp xếp để ủng hộ cho những sự đột biến nào đó và chống lại những qúa trình khác. Nhưng có nhiều điều như thế được nói trong một lý thuyết khoa học. Việc áp dụng thành công các định luật chuyển động của Newton hay Einstein vào hệ mặt trời không có gì ngăn cản chúng ta gỉa định rằng thoảng khi một sao chổi nhận được cú hích từ một tác nhân thần thánh. Rõ ràng là Johnson đã không đặt vấn đề với tinh thần mở rộng, không thiên vị mà chỉ vì những lý do tôn giáo nên ông ta quan tâm rất nhiều đến sự sống, theo cách thức mà ông ta không làm như thế đối với những sao chổi. Tuy vậy, cách thức duy nhất mà bất kỳ một loại khoa học nào cũng tiến hành đó là gỉa định rằng không có sự can thiệp thần thánh nào và quan sát xem người ta có thể đạt tới đâu với gỉa định đó.

Johnson cho rằng sự tiến hóa tự nhiên –“ sự tiến hóa không viện dẫn đến sự can thiệp hay dẫn dắt bởi người sáng tạo bên ngoài thế giới tự nhiên” - thật ra chẳng cung cấp sự giải thích rõ ràng về nguồn gốc của mọi loài. Tôi nghĩ rằng ông ta đã sai lầm ở đây, vì ông đã không có cảm nhận về những vấn đề mà bất kỳ một lý thuyết khoa học nào cũng gặp phải trong việc giải thích những gì mà chúng ta quan sát được. Ngay cả như không có những sai lầm rõ ràng thì những tính toán, những quan sát của chúng ta cũng luôn luôn dựa trên gỉa định nằm ngoài hiệu lực của lý thuyết mà chúng ta đang thử. Không bao giờ có chuyện những tính toán dựa trên lý thuyết của Newton về lực hấp dẫn hay bất kỳ một lý thuyết nào cũng hoàn toàn ăn khớp với mọi quan sát. Chúng ta có thể nhận ra tình huống tương tự quen thuộc của vật lý ở các bài viết của các nhà cổ sinh vật học và các nhà sinh học tiến hóa ngày nay. Khi dùng lý thuyết tự nhiên về sự tiến hóa các nhà sinh học đang làm việc với một lý thuyết thành công áp đảo nhưng lại chưa hoàn tất công việc giải thích của nó. Đối với tôi dường như nó là một khám phá quan trọng sâu sắc mà chúng ta đã đi thật xa trong việc giải thích thế giới mà không cần viện dẫn đến sự can thiệp thần thánh.

Ở một khía cạnh khác tôi lại nghĩ rằng Johnson có lý. Ông ta cho rằng không có một sự tương thích giữa lý thuyết tự nhiên về sự tiến hóa và tôn giáo như vẫn thường được hiểu và ông ta đã chỉ trích một cách mạnh mẽ những nhà khoa học và giáo dục đã phủ nhận nó [sự không tương thích]. Ông ta tiếp tục phàn nàn rằng “sự tiến hóa tự nhiên tương thích với sự hiện hữu của “Chúa” chỉ khi nào bằng thuật ngữ này chúng ta muốn nói rằng không có gì hơn nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân này đã rút ra khỏi những hoạt động xa hơn sau khi đã thiết lập các định luật của tự nhiên và đặt để một cơ chế tự nhiên họat động”.

Đối với tôi, dường như sự không tương thích giữa lý thuyết hiện đại về sự tiến hóa và niềm tin vào một vị Chúa lại không có logic - người ta có thể tưởng tượng rằng Chúa đã thiết lập các định luật tự nhiên và đặt để một cơ chế về sự tiến hoá vận hành với ý đồ rằng thông qua sư tiến hóa tự nhiên thì bạn và tôi một ngày nào đó sẽ xuất hiện.- Nhưng có sự không tương thích thật sự ở nơi bản chất [của tôn giáo]. Vì rằng, tôn giáo không nảy sinh nơi trí óc của những ai có suy xét về cái nguyên nhân đầu tiên có tính chất tiên tri một cách vô hạn, nhưng nó lại phát sinh trong tâm của những người mong cầu một sự can thiệp liên tục của một vị Chúa.

Trong khi những người chống đối theo phái tự do [về tôn giáo] đôi khi dường như không hiểu, thì những người bảo thủ tôn giáo hiểu rất rõ mức độ khó khăn trong cuộc tranh luận về việc dạy thuyết tiến hóa trong các trường công lập. Năm 1983, ngay sau khi đến Texas tôi được mời chứng thực trước ủy ban thượng viện của tiểu bang Texas về qui định cấm thuyết giảng về thuyết tiến hóa trong các sách giáo khoa ở bậc trung học do tiểu bang cung cấp trừ phi có sự nhấn mạnh đồng đều được dành cho cả thuyết sáng tạo. Một thành viên trong ủy ban có hỏi tôi rằng, làm thế nào mà tiểu bang lại có thể ủng hộ cho việc giảng dạy một lý thuyết khoa học như thuyết Tiến hóa khi mà lý thuyết này làm bào mòn niềm tin tôn giáo. Tôi đáp rằng, cũng là sai lầm cho những ai tận tụy bằng cảm tính với thuyết vô thần khi cho rằng thuyết Tiến hóa đáng nhấn mạnh hơn những điều thích hợp khác được giảng dạy trong sinh học. Do đó, thật không tương thích với Tu Chính Án đầu tiên ( the First Amendment) khi cho rằng thuyết Tiến Hóa không cần được nhấn mạnh vì đó là một phương tiện để bảo vệ niềm tin tôn giáo. Đơn giản đây không phải là công việc của các trường công lập khi phải bận tâm, bằng cách này hay cách khác, đến những hàm ý về tôn giáo trong các lý thuyết khoa học. Câu trả lời của tôi đã không làm vừa ý ông thượng nghị sĩ vì, cũng như tôi, ông ấy biết điều làm nên hiệu qủa cho một giáo trình Sinh học chính là sự nhấn mạnh thuyết Tiến hóa một cách thích hợp. Khi tôi rời khỏi phòng hội đồng, ông ta lẩm bẩm:” Dù thế nào thì Chúa cũng vẫn ngự trị trên trời”. Có thể là như thế, nhưng chúng tôi đã thắng trong trận chiến đó: sách giáo khoa của Texas ngày nay không chỉ cho phép mà còn yêu cầu phải dạy lý thuyết hiện đại về tiến hóa và không dạy những điều phi lý về thuyết sáng tạo. Nhưng có rất nhiều nơi (đặc biệt là ngày nay ở các nước Hồi giáo) nơi mà trận chiến này lại thắng và cũng chẳng có gì bảo đảm nó sẽ thắng ở mọi nơi.

Đôi lúc người ta nghe nói rằng không có sự xung khắc nào giữa khoa học và tôn giáo. Chẳng hạn như trong phần giới thiệu sách của Johnson thì Stephen Gould lại nhận xét rằng, khoa học và tôn giáo không đi đến xung khắc vì “ khoa học đối trị với những thực tế trong khi tôn giáo đối trị đạo đức của con người”. Ở hầu hết mọi điều, tôi có xu hướng đồng ý với Gould nhưng ở đây tôi nghĩ rằng ông ta đi qúa xa. Thật vậy, ý nghĩa của tôn giáo được định nghĩa bởi những gì mà những người có tín ngưỡng thực sự tin vào và tuyệt đại đa số những người có tín ngưỡng trên thế giới lẽ ra phải ngạc nhiên khi biết rằng tôn giáo lại không có liên hệ gì đến thực tế.

Nhưng quan điểm của Gould ngày nay lại lan truyền trong giới các nhà khoa học và những người tự do về tín ngưỡng. Đối với tôi thì điều này lại biểu thị cho thấy sự rút lui quan trọng của tôn giáo khỏi những vị trí mà nó từng chiếm giữ. Thiên nhiên đã từng không thể giải thích được nếu không có vị thần trong mỗi cuốn sách và trong mỗi ngọn cây. Ngay cả đến cuối thế kỷ 19 sự thiết kế những cây cỏ và thú vật vẫn còn được xem là chứng cứ hiển nhiên về đấng sáng tạo.Vẫn có vô số những điều trong thiên nhiên mà chúng ta không thể giải thích, nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta biết những nguyên tắc vận hành của chúng. Đối với những bí ẩn thật sư ngày nay, người ta phải nhìn vào vũ trụ học và vật lý các hạt cơ bản. Sự rút lui của tôn giáo khỏi những mảnh đất được chiếm giữ bởi khoa học đang gần như hoàn tất cho những ai không thấy được sự xung khắc giữa khoa học và tôn giáo.

Xét đóan từ những kinh nghiệm lịch sử, tôi đồ rằng cho dù chúng ta sẽ tìm thấy vẻ đẹp trong những định luật sau cùng của tự nhiên nhưng chúng ta sẽ không tìm thấy một vị thế đặc biệt nào cho sự sống hay cho trí thông minh. Tất nhiên, chúng ta cũng sẽ chẳng tìm thấy những tiêu chuẩn cho các gía trị hay cho đạo đức và như vậy chúng ta sẽ không tìm được gợi ý nào về một vị Chúa , người quan tâm đến những điều như thế. Chúng ta có thể tìm thấy những điều đó ở một nơi nào khác nhưng không thể tìm ở những định luật sau cùng của tự nhiên.

Tôi phải chấp nhận rằng đôi khi thiên nhiên dường như đẹp hơn cần thiết. Ngoài cửa sổ phòng làm việc ở nhà tôi có một cây cơm nguội vàng . Đó là nơi luôn luôn được thăm viếng bởi những đàn chim: chim giẻ cùi màu xanh, chim ăn sâu cổ vàng và đáng yêu nhất là những chú chim giáo chủ màu đỏ. Mặc dù tôi biết khá rõ rằng các bộ lông sặc sỡ này tiến hóa từ việc tranh giành bạn giao phối, nhưng hầu như cũng không cưỡng được trí tưởng tượng của mình rằng tất cả những vẻ đẹp này, bằng cách nào đó, đã được tạo ra cho lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, vị Chúa của các loài chim và cây ắt hẳn cũng phải là vị Chúa của những khuyết tật và ung thư nơi chúng.

Hàng thiên niên kỷ qua, những người có tín ngưỡng đã vật lộn với luận thuyết biện minh cho Chúa (theodicy), vấn đề được đặt ra bởi sự hiện hữu của khổ đau trong một thế giới được tin rằng được cai trị bởi một vị Chúa tốt lành. Họ đã tìm được lời gỉai đáp tài tình khéo léo nơi các kế hoạch thần thánh. Tôi không có ý định thử bàn luận về những lời giải đáp này và chắc chắn là không thêm vào một lời giải đáp nào nữa. Ký ức về Holocaust còn lại trong tôi đã không đồng tình với nỗ lực biện minh cho những cách thức đối xử của Chúa đối với con người. Nếu có một vị Chúa với những dự định đặc biệt cho con người thì Ngài ắt hẳn đã sơn phết tài tình để che dấu mối quan tâm của Ngài đối với chúng ta. Với tôi, dường như là bất nhã nếu không muốn nói là bất kính khi làm phiền một vị Chúa như thế đối với những người đang cầu nguyện.

Không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với cái nhìn không mấy sáng sủa của tôi về những định luật sau cùng. Tôi không biết đã có ai khẳng định một cách minh bạch rằng có những chứng cứ khoa học về thần thánh hay không nhưng một số các nhà khoa học đưa ra những lý lẽ ủng hộ cho vị thế đặc biệt của sự sống có trí thông minh trong thiên nhiên. Dĩ nhiên, mọi người đều biết rằng đối với những vấn đề thực hành thì Sinh học và Tâm lý học phải được nghiên cứu trong chính lãnh vực của nó mà không thể bằng vật lý hạt cơ bản được, nhưng đó không phải là chỉ dấu về vị thế đặc biệt của sự sống thông minh; tương tự như thế cho Hóa học và Thủy động lực học. Ngược lại, nếu chúng ta tìm thấy một vai trò đặc biệt nào đó cho sự sống thông minh trong những định luật sau cùng tại điểm tập trung của mọi giải thích thì chúng ta có thể kết luận vững chắc rằng kẻ sáng tạo-người đã thiết lập các định luật này- theo một cách thức nào đó đã quan tâm đến chúng ta một cách đặc biệt.

John Wheeler đã có ấn tượng bởi sự kiện là ,theo tiêu chuẩn Copenhagen về sự diễn giải của Cơ lượng tử thì một hệ vật lý không thể được xem là có những gía trị xác định cho những đại lượng như vị trí hoặc năng lượng hay xung lượng cho đến khi những đại lượng này được đo lường bởi các thiết bị của người quan sát. Đối với Wheeler, sự sống có thông minh nào đó là điều bắt buộc để cho Cơ lượng tử một ý nghĩa. Gần đây, Wheeler đã đi xa hơn nữa và đề nghị rằng sự sống thông minh không chỉ xuất hiện mà còn tiếp tục lan tỏa mọi nơi trong vũ trụ để mà mỗi bit thông tin về trạng thái của vũ trụ cuối cùng phải được quan sát. Đối với tôi dường như những kết luận của Wheeler đã cung cấp một thí dụ điển hình cho những mối nguy hiểm của việc bám chặt vào luận thuyết về thực chứng (positivism), rằng khoa học chỉ nên quan tâm đến những gì có thể quan sát được. Những nhà khoa học khác bao gồm bản thân tôi lại thích cách nhìn thực tế (realist) về Cơ lượng tử hơn, các định luật chi phối hàm sóng mô tả phòng thí nghiệm, quan sát viên cũng như nguyên tử, phân tử không phụ thuộc chủ yếu vào sự có mặt hay không các quan sát viên.

Một số các nhà khoa học lại nhấn mạnh tới sự kiện rằng một số các hằng số cơ bản có những gía trị dường như thích hợp một cách khác thường với sự xuất hiện của sự sống thông minh trong vũ trụ. Chưa có gì rõ ràng về chuyện có hay không những quan sát cho sự kiện này, nhưng ngay cả nếu có đi nữa thì điều này cũng không nhất thiết ám chỉ đến sự vận hành của một mục đích thần thánh nào đó. Trong một vài lý thuyết hiện đại về vũ trụ học, những cái được gọi là hằng số tự nhiên (chẳng hạn như khối lượng của các hạt cơ bản) thực ra lại thay đổi từ nơi này đến nơi khác hay từ thời điểm này đến thời điểm khác hoặc ngay cả từ một số hạng của hàm sóng vũ trụ này đến một số hạng khác. Nếu điều ấy thực sự là như vậy, thì như chúng ta thấy, bất kỳ một nhà khoa học nào nghiên cứu về các định luật tự nhiên sẽ phải sống trong một phần nào đó của vũ trụ nơi mà các hằng số tự nhiên có những gía trị thích hợp cho sự tiến hóa của sự sống có thông minh.

Tương tự như thế này, gỉa sử rằng có một hành tinh được gọi là Điạ cầu B (nguyên văn: Điạ cầu phẩy ) có mọi thứ đều giống như trái đất của chúng ta ngoại trừ một điều rằng nhân loại trên đó phát triển một loại Vật lý học mà không biết một điều gì về Thiên văn học. (chẳng hạn như chúng ta có thể tưởng tượng rằng bề mặt của trái đất B này vĩnh viễn bị bao phủ bởi những lớp mây). Giống như trên trái đất, các sinh viên trên trái đất B cũng sẽ tìm thấy bảng gía trị của các hằng số cơ bản ở bìa sau của những sách giáo khoa vật lý. Những bảng này sẽ liệt kê vận tốc ánh sáng, khối lượng electron,…..và một hằng số “cơ bản” khác có gía trị là 1.99 calo/phút/cm2 cho biết năng lượng thu được trên bề mặt của trái đất B từ một nguồn không xác định bên ngoaì. Trên trái đất của chúng ta hằng số này được gọi là hằng số mặt trời vì chúng ta biết đó là năng lượng đến từ mặt trời, nhưng không ai trên trái đất B có cách nào để biết năng lượng đó đến từ đâu và tại sao nó lại có gía trị đặc biệt đó. Một nhà vật lý nào đó trên trái đất B có thể chú ý rằng gía trị quan sát được của hằng số này cưc kỳ thích hợp cho sự xuất hiện của sự sống. Nếu trái đất B nhận nhiều hơn hay ít hơn 2 calo/phút/cm2 thì nước nước biển sẽ hoặc bay hơi hoặc đóng băng làm cho trái đất B sẽ không còn nước và những chất thay thế khác mà sự sống có thể tiến hóa. Nhà vật lý này có thể kết luận rằng hằng số 1.99 calo/phút/cm2 đã được Chúa tinh chỉnh vì lợi ích của con người. Nhiều nhà vật lý đa nghi khác trên trái đất B có thể lập luận rằng những hằng số như thế cuối cùng sẽ được giải thích bởi các định luật sau cùng của vật lý và kết luận rằng chỉ là một sự may mắn tình cờ mà chúng có những gía trị ủng hộ cho sự sống. Thật ra, cả hai đều sai lầm. Cuối cùng khi các cư dân trên trái đất B khai triển những kiến thức về Thiên văn học, họ biết rằng hành tinh của họ nhận được 1.99 calo/phút/cm2 chỉ vì , giống như trái đất, tình cờ là khoảng cách từ nó đến mặt trời vào khoảng 93 triệu dặm và mặt trời đã sản sinh 5,600 triệu triệu triệu triệu calo cho mỗi phút , nhưng họ cũng sẽ thấy rằng có những hành tinh khác gần mặt trời hơn sẽ qúa nóng cho sự sống và nhiều hành tinh khác xa mặt trời hơn sẽ qúa lạnh cho sự sống và chắc chắn là vô số những hnàh tinh khác chuyển động trên những qũi đạo quanh các vì sao khác sẽ có một tỷ lệ rất nhỏ thích hợp cho sự sống. Cuối cùng, khi họ biết về Thiên văn học thì các nhà vật lý đưa ra những lập luận trên sẽ hiểu rằng lý do tại sao họ sống trong một thế giới nhận được khoảng 2 calo/phút/cm2 chỉ là vì không có loại thế giới khác nào mà họ có thể sống được. Trong phần của chúng ta sống trong vũ trụ, chúng ta có thể giống như những cư dân trên trái đất B trước khi họ biết về Thiên văn học, nhưng [chúng ta chỉ không biết] về những phần khác trong vũ trụ thay vì về các hành tinh khác ngoài tầm mắt của chúng ta.

Có lẽ tôi nên đi xa hơn. Khi chúng ta khám phá ngày càng nhiều những nguyên lý cơ bản của vật lý thì dường như chúng ngày càng ít liên hệ với chúng ta. Hãy lấy một thí dụ, vào đầu thập niên 1920 người ta nghĩ rằng chỉ có những hạt cơ bản là electron và proton và chúng được xem là những thành phần tạo nên chúng ta và thế giới. Khi những hạt cơ bản mới như neutron được khám phá thì đầu tiên người ta chấp nhận rằng chúng được tạo nên bởi electron và proton. Ngày nay vật chất rất khác biệt. Chúng ta không còn chắc hạt nào mà chúng ta cho là hạt cơ bản nữa, nhưng chúng ta đã học được một bài học quan trọng rằng sự kiện các hạt có mặt trong vật chất bình thường không dính dáng gì đến chuyện chúng là cơ bản hay không. Hầu hết tất cả các hạt mà trường [biểu diễn cho chúng] có mặt trong lý thuyết chuẩn về các hạt và tương tác đều phân rã nhanh đến nỗi mà chúng không có mặt trong vật chất bình thường và chẳng giữ một vai trò nào trong đời sống con người. Những hạt electron là phần cơ bản của thế giới thường nhật của chúng ta, những hạt có tên là muon và tauon hầu như chẳng quan trọng gì đối với cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, trong lý thuyết thì sự có mặt của electron dường như chẳng cơ bản gì hơn muon và tauon. Tổng quát hơn, chưa ai khám phá được sự tương liên nào về tính chất quan trọng của cái gì đó đối với chúng ta và tầm quan trọng của nó trong các định luật của thiên nhiên.

Dĩ nhiên, không phải từ những khám phá khoa học mà hầu hết mọi người mong đợi để biết về Chúa. John Polkinghorne đã đưa ra những lý lẽ hùng hồn để ủng hộ cho một thứ thần học ” được đặt trong mảnh đất diễn đạt của con người mà chính khoa học cũng tìm được ngôi nhà của nó nơi đó”. Nó đặt nền tảng trên những kinh nghiệm tôn giáo chẳng hạn như sự mặc khải, giống như khoa học được đặt trên nền tảng thí nghiệm và quan sát. Những ai nghĩ rằng họ đã có những kinh nghiệm tôn giáo nên tự xét đoán về phẩm chất của kinh nghiệm đó. Nhưng tuyệt đại đa số những người gắn chặt với thế giới tín ngưỡng lại không tin tưởng vào kinh nghiệm tâm linh của chính họ mà lại tin vào sự mặc khải được gỉa định từ kinh nghiệm của người khác. Người ta có thể nghĩ rằng điều này cũng giống như trường hợp các nhà vật lý lý thuyết tin tưởng vào những thí nghiệm của người khác, nhưng có một sự khác biệt rất quan trọng. Đó là sự hiểu biết sâu sắc của hàng ngàn cá nhân các nhà vật lý đều hội tụ và hài lòng nơi những hiểu biết chung (dù chưa đầy đủ) về thực tại vật lý. Ngược lại, những khẳng định về Chúa hay về điều gì khác được dẫn xuất từ những mặc khải thần thánh đều đi theo những chiều hướng khác nhau đến tận gốc rễ. Sau cả ngàn năm về những phân tích thần học, ngày nay chúng ta chẳng đến gần được sự hiểu biết chung về những bài học của sự mặc khải tôn giáo.

Có một sự phân biệt khác giữa kinh nghiệm tôn giáo và thí nghiệm khoa học. Ngược lại với những cái nhìn về thế giới trừu tượng và phi nhân tính thu được từ các xem xét khoa học, những bài học của kinh nghiệm tôn giáo có thể mang đến sự hài lòng sâu xa. Không giống như khoa học, những kinh nghiệm tôn giáo có thể gợi một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống để chúng ta tham gia vào một vở bi kịch toàn thể, vĩ đại về tội lỗi và cứu rỗi và chìa ra cho chúng ta lời hứa về sự tiếp nối sau khi chết. Chỉ vì những lý do này mà những bài học của kinh nghiệm tôn giáo dường như đối với tôi đã mang một dấu ấn của sự mơ tưởng không thể tẩy xóa được.

Trong cuốn sách của tôi vào năm 1977, Ba phút đầu tiên, tôi đã khá liều lĩnh nhận định rằng:” Vũ trụ càng dễ hiểu thì nó lại càng vô nghĩa”.Tôi không ám chỉ rằng khoa học dạy cho chúng ta rằng vũ trụ là vô nghĩa, mà đúng hơn là vũ trụ chính nó chẳng gợi ý điều gì. Tôi vội vàng bổ sung rằng, có nhiều cách mà chính chúng ta có thể tự nghĩ ra một ý nghĩa thiết yếu cho cuộc sống của mình, bao gồm cả việc cố gắng tìm hiểu vũ trụ. Tuy nhiên điều tai hại đã đến- câu viết đó đã theo sát tôi từ đó.

Mới đây, Alan Lightman và Roberta Brawer công bố cuộc phỏng vấn với 27 nhà thiên văn và vật lý. Phần lớn họ được hỏi vào cuối buổi phỏng vấn rằng họ nghĩ gì về nhận định đó cuả tôi. Với nhiều phẩm chất khác nhau, 10 người được phỏng vấn đồng ý với tôi và 13 người không đồng ý. Nhưng có 3 trong số 13 người này không đồng ý bởi vì họ không thấy lý do tại sao người ta lại trông đợi vũ trụ có một ý nghĩa. Nhà thiên văn của Havard, Magaret Geller hỏi:”…tại sao nó cần có một ý nghĩa? Ý nghĩa gì? Nó chỉ là một hệ vật lý, có ý nghĩa gì đây? Tôi luôn luôn bị đánh đố bởi nhận định đó”. Nhà vật lý thiên văn của Princeton, Jim Peebles nhận xét:” tôi rất muốn tin rằng chúng ta chỉ là những người sống lang thang” (Peebles cũng đoán rằng tôi đã có một ngày không vui). Một nhà vật lý thiên văn khác của Princeton, Edwin Turner, đã đồng ý với tôi nhưng lại ngờ rằng tôi đã dự kiến nhận định này sẽ làm khó chịu độc gỉa. Câu trả lời làm tôi ưng ý nhất chính là của một đồng nghiệp ở đại học Texas, nhà thiên văn Gerard de Vancouleurs. Ông đã nói rằng, ông nghĩ nhận định của tôi là “ hoài cổ” . Đúng như thế, nó rất hoài cổ về một thế giới mà ở đó bầu trời đã tuyên vinh Chúa.

Cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi, Matthew Arnold đã tìm thấy ẩn dụ khi thủy triều rút xuống như là sự rút lui của niềm tin tôn giáo và nghe tiếng nước rút đi như một “ nốt nhạc buồn”. Phải chi ở những định luật sau cùng người tìm được một kế hoạch đã được chuẩn bị bởi một kẻ sáng tạo mà trong đó con người giữ vai trò đặc biệt thì thật là tuyệt vời. Tôi tìm thấy nỗi buồn khi ngờ rằng chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy điều đó. Cũng có một số trong các đồng nghiệp khoa học của tôi nói rằng sự chiêm ngưỡng thiên nhiên hoàn toàn mang lại cho họ những thỏa mãn tinh thần giống như những người khác đã tìm thấy nơi niềm tin về một vị Chúa theo truyền thống. Ngay cả một số trong họ thực sự cảm nhận được điều đó, tôi vẫn không có cái cảm giác ấy và dường như đối với tôi cũng chẳng có ích lợi gì khi đồng nhất những định luật sau cùng của thiên nhiên với một loại Chúa xa xôi và hờ hững như Einstein đã làm. Chúng ta càng tinh lọc sự hiểu biết của chúng ta về Chúa để làm cho nó trở thành một khái niệm rõ ràng thì nó lại càng vô nghĩa.

Trong số các nhà khoa học ngày nay, có lẽ tôi hơi lập dị khi để ý đến những điều như thế. Vào những dịp thật hiếm, khi những đối thoại nơi bữa ăn, tiệc trà chạm tới vấn đề về tôn giáo thì phản ứng mạnh mẽ nhất được bày tỏ bởi hầu hết những đồng nghiệp vật lý của tôi là một sự ngạc nhiên thoáng qua và sự thích thú vì [họ thấy] vẫn còn có người xem chuyện đó là quan trọng. Nhiều nhà vật lý trên danh nghĩa sát nhập niềm tin của mình với của cha mẹ họ, giống như một hình thức nhận diện sắc tộc và để sử dụng trong những lễ cưới hoặc tang môn. Tuy nhiên, cũng có một ít trong số họ dường như cũng để ý đến thần học của tôn giáo mà họ mang chính danh. Tôi cũng biết có hai nhà vật lý về lý thuyết tương đối tổng quát rất sùng đạo Catô Roman; một vài nhà vật lý lý thuyết tuân theo nghi thức Do thái giáo; một nhà vật lý thực nghiệm cải đạo theo Cơ đốc giáo; một nhà vật lý lý thuyết tận tụy với Hồi giáo và một nhà vật lý toán đã nhận bí tích truyền chức trong Anh giáo. Chắc chắn rằng có những nhà vật lý khác có niềm tin tôn giáo sâu sắc mà tôi không được biết hoặc là họ muốn giữ ý kiến về tôn giáo một cách riêng tư. Nhưng, theo những quan sát của tôi thì hầu hết các nhà vật lý ngày nay không quan tâm nhiều đến tôn giáo và có thể nói họ là những người vô thần.

Theo một nghĩa nào đó thì khoảng cách giữa những người theo thuyết tự do về tôn giáo và các nhà khoa học lại xa hơn khoảng cách giữa những người theo trào lưu chính thống về tôn giáo (fundamentalist) hoặc những người bảo thủ tôn giáo với các nhà khoa học. Ít nhất là các nhà bảo thủ tôn giáo cũng giống như các nhà khoa học, họ nói với bạn rằng họ tin vào những điều mà họ tin chỉ vì nó là thực hơn là vì nó làm cho họ tốt lành hay hạnh phúc. Ngày nay, nhiều người theo trào lưu tự do về tôn giáo dường như nghĩ rằng những người khác nhau tin vào những điều tương hỗ khác nhau mà chẳng có điều gì là sai trái một khi mà niềm tin của họ vẫn còn “gía trị đối với họ”. Người này tin vào tái sinh, kẻ khác tin vào thiên đàng và địa ngục và người kia tin rằng chết là hết nhưng chẳng ai được cho rằng là sai lầm chừng nào mà họ còn nhận được luồng gío tinh thần mang sự thỏa mãn đến từ niềm tin của họ. Chúng ta đang bị vây quanh bởi “lòng mộ đạo không có chủ đề ”, như một câu nói của Susan Sontag. Tất cả những điều này gợi cho tôi một chuyện kể về một kinh nghiệm của Bertrand Russell. Năm 1918 ông ta bị bỏ tù vì tội chống chiến tranh. Dọc theo lối mòn trong nhà tù, người cai tù hỏi về tôn giáo và Russell trả lời rằng ông ấy theo thuyết bất khả tri (agnostic). Người cai ngục nhìn có vẻ không hiểu một lúc, và rồi bừng sáng lên với nhận xét rằng” Tốt đấy, tất cả chúng ta đều thờ cùng một Chúa mà, đúng không?

Một lần, Wolfgang Pauli cũng được hỏi liệu ông ta có nghĩ rằng một công trình về [những hiện tượng] vật lý rất khó quan niệm được có phải là sai lầm. Ông ta trả lời rằng sự mô tả như thế là qúa tử tế- công trình đó chẳng sai lầm gì. Tôi bỗng dưng nghĩ rằng những người bảo thủ về tôn giáo đã sai lầm nơi điều mà họ tin vào, nhưng ít ra là họ không quên những điều có ý nghĩa thật sự khi tin vào điều đó. Đối với tôi dường như những người theo thuyết tự do về tôn giáo lại không sai lầm chút nào.

Người ta vẫn thường nghe nói rằng thần học không phải là điều quan trọng về tôn giáo- điều quan trọng là tín ngưỡng giúp cho chúng ta sống như thế nào. Thật lạ kỳ, rằng sự hiện hữu và bản chất của Chúa và hồng ân và tội lỗi và thiên đàng và địa ngục chẳng có gì quan trọng! tôi đồ rằng người ta đã không tìm thấy sự quan trọng ở nơi thần học của cái được gỉa định là tôn giáo của chính họ, chỉ vì họ không thể tự thú nhận rằng mình đã không tin vào nó. Tuy nhiên xuyên qua lịch sử và ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay người ta đã tin vào một thần học này, thần học nọ và đối với họ nó rất là quan trọng.

Người ta có thể bị mất nhiệt tình bởi sự trì trệ về tinh thần của trào lưu tự do về tôn giáo nhưng chính những tôn giáo có giáo điều bảo thủ mới gây nên thiệt hại. Dĩ nhiên, nó cũng có những đóng góp lớn về đạo đức và nghệ thuật. Nhưng đây không phải là chỗ để làm quân bình giữa đóng góp của tôn giaó một mặt, mặt kia là những câu chuyện dài độc ác về cuộc Thập tự chinh, thánh chiến Hồi gíao và tòa án Dị giáo, sự tàn sát người Do thái. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh trong việc làm cho cân bằng này là những gỉa định cho rằng sự hành quyết tôn giáo và những cuộc thánh chiến chỉ là những sự lầm lạc của một tôn giáo đích thực chắc chắn là điều không ổn. Gỉa định như thế, đối với tôi chúng dường như là triệu chứng của một thái độ phổ biến đối với tôn giáo bao gồm cả sự tôn kính lẫn sự thiếu quan tâm sâu sắc. Nhiều tôn giáo lớn trên thế giới dạy rằng Chúa đòi hỏi lòng trung thành và hình thức tôn thờ tuyệt đối nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng những ai [một sốngười] xem những lời giảng này qúa nghiêm chỉnh, sẽ thực tâm xem các yêu cầu thần thánh này là quan trọng vạn lần hơn những đức hạnh hoàn toàn thế tục như sự bao dung , lòng bi mẫn hay có lý trí.

Ở Á châu và Phi châu những thế lực đen của lòng sùng tín tập hợp đủ mạnh nên lý trí và sự bao dung trở nên không an toàn ngay cả ở các quốc gia phương tây. Nhà sử học Hugh Trevor-Roper đã nói rằng chính tinh thần khoa học vào thế kỷ 17 và 18 đã kết thúc những giàn thiêu phù thủy ở Châu Âu. Chúng ta có thể cần phải dựa vào ảnh hưởng của khoa học để giữ cho thế giới lành mạnh. Không phải sự chắc chắn mà chính là sự không chắc chắn của kiến thức khoa học giúp cho nó [khoa học]làm tròn sứ mạng này. Nhìn thấy các nhà khoa học thay đổi thường xuyên những suy nghĩ của họ về vật chất được nghiên cứu một cách trực tiếp trong phòng thí nghiệm, làm sao người ta có thể dùng những khẳng định trong các truyền thống tôn giáo hay các kinh thánh vào những kiến thức nào đó về vật chất nằm ngoài kinh nghiệm của con người?

Dĩ nhiên khoa học cũng đóng góp phần của nó vào những đau khổ của thế giới nhưng thường thường là bằng cách cung cấp cho chúng ta phương tiện để giết người chứ không phải là động lực. Ở những nơi mà thẩm quyền của khoa học bị viện dẫn để biện minh cho những kinh hoàng khủng khiếp thì ở đó thực sự nó là những xuyên tạc về khoa học, chẳng hạn như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nazi và “chủ nghĩa Ưu sinh” (Eugenics). Như Karl Popper đã nói :” Điều qúa hiển nhiên là chính chủ nghĩa Phi lý tính (irrationalism) chứ không phải chủ nghĩa Lý tính (rationalism) phải chịu trách nhiệm cho mọi thù hận và gây hấn trong đất nước trong cả hai thời kỳ trước và sau những cuộc thánh chiến, nhưng tôi không thấy bất kỳ một cuộc chiến tranh nào được tiến hành cho mục đích “khoa học” được gây nên bởi các nhà khoa học.”

Thật không may, tôi không nghĩ rằng có thể tạo nên những phương thức khoa học của việc lập luận bằng những lý giải thuần lý. David Hume đã thấy từ lâu rằng trong việc viện dẫn những kinh nghiệm qúa khứ của khoa học [với sự thành công của nó] thì chúng ta đang gỉa định về hiệu lực của mỗi phương thức lý luận mà chúng ta đang cố biện minh [cho nó]. Tương tự như vậy, mọi lập luận logic đều có thể bị đánh bại bởi sự từ chối đơn thuần việc lập luận có logic. Như thế chúng ta không thể gạt bỏ câu hỏi “tại sao”, nếu chúng ta không tìm được sự thoải mái tinh thần mà chúng ta muốn nơi các định luật tự nhiên, thì chúng ta không nên tìm kiếm nó ở nơi khác- thẩm quyền về tinh thần này hay khác hay trong bước nhảy vọt độc lập của niềm tin?

Quyết định tin hay không không hoàn toàn nằm trong tay chúng ta. Tôi có thể hạnh phúc hơn hay có một cung cách tốt hơn nếu tôi nghĩ tôi là dòng dõi của những vua chúa Trung hoa, nhưng không có nỗ lực nào của ý chí có thể làm tôi tin vào điều đó hơn là tôi có thể muốn trái tim mình ngừng đập. Do vậy mà dường như có nhiều người có khả năng thực hành một sự kiểm soát nào đó trên những điều mà họ tin hay là chọn để tin vì nghĩ rằng nó sẽ làm họ tốt và hạnh phúc. Sự mô tả thú vị nhất mà tôi biết về sự kiểm soát này có thể vận hành như thế nào, được tìm thấy trong tác phẩm của George Orwell năm 1984. Vị anh hùng, Winston Smith, đã viết trong nhật ký của mình rằng “ tự do là sự tự do để nói rằng hai với hai là bốn”. Quan tòa Dị giáo, O’Brien, xem lấy câu nói này như là một thử thách và tìm cách ép buộc Smith thay đổi ý kiến. Dưới sự tra tấn Smith hoàn toàn muốn nói rằng hai với hai là năm nhưng sau đó nó không phải là điều O’Brien có được. Cuối cùng sự đau đớn trở nên không thể chịu đựng được và để thoát khỏi điều đó Smith phải tự thuyết phục chính mình trong một khoảnh khắc rằng hai với hai là năm. Lúc đó O’Brien mới thỏa lòng và cuộc hành hình được hoãn lại. Cũng hoàn toàn như thế, sự đau khổ khi đối mặt với viễn ảnh về cái chết của chính chúng ta hay của người thân yêu thúc bách chúng ta phải chấp nhận những niềm tin hầu làm giảm đi nỗi đau khổ. Nếu chúng ta có thể tự điều chỉnh niềm tin của chính chúng ta theo cách này, thì tại sao lại không làm như thế?

Tôi không thấy lý do khoa học hay luận lý nào để mà không thể đi tìm niềm an ủi bởi sự điều chỉnh niềm tin của chúng ta- mà chỉ thấy một lý do về đạo đức, một vấn đề về danh dự. Chúng ta sẽ nghĩ sao về một người tự thuyết phục chính mình rằng họ chắc chắn sẽ trúng số vì đang cần tiền một cách tuyệt vọng? Một số người có lẽ ao ước có được những kỳ vọng lớn lao như người này nhưng nhiều người khác lại nghĩ rằng anh ta đã thất bại trong vai trò của chính mình với tư cách là một người trưởng thành và có lý trí trong việc nhìn mọi sự như chúng đang là. Cũng chẳng khác gì mỗi chúng ta khi trưởng thành đã biết cách chống lại những quyến rũ của những mộng tưởng về những điều tầm thường như trúng số, cũng như thế loài người chúng ta khi trưởng thành đã biết rằng chúng ta đang không đóng vai chính trong bất kỳ vở bi kịch lớn nào của vũ trụ.

Tuy nhiên, tôi không ngừng suy nghĩ rằng khoa học rồi sẽ cung cấp sự an ủi mà các tôn giáo đã dâng tặng khi đối diện cái chết. Khẳng định tinh tế nhất về thách thức liên quan đến sự tồn tại của con người mà tôi được biết đã được tìm thấy trong tác phẩm ‘Lịch Sử Giáo Hội nước Anh” được viết bởi phó giáo chủ Bede vào khoảng 700 sau công nguyên. Bede kể cho biết vua Edwin của xứ Northumbria đã tổ chức giáo hội vào năm 627 sau công nguyên để quyết định về việc tôn giáo được chấp thuận ở vương quốc của ông như thế nào, và đọc một bài diễn văn cho thần dân như sau:

Hỡi các thần dân, khi chúng ta so sánh đời sống hiện tại của con người trên trái đất với thời gian là điều mà chúng ta hoàn toàn không biết một chút gì, thì đối với Ta dường như nó giống như là một chuyến bay vụt nhanh của một con chim sẻ đơn độc qua sảnh đường này, nơi mà các vị đang ngồi thưởng thức bữa ăn tối vào những ngày mùa đông cùng với các giới hương thân và qúi tộc. Ở giữa, đây là ngọn lửa dễ chịu sưởi ấm sảnh đường; ngoài kia, cơn bão tuyết mùa đông đang hoành hành. Con chim sẻ bay vào sảnh qua cửa này và bay ra nơi cửa khác. Khi còn trong phòng, nó được an toàn khỏi cơn bão mùa đông; nhưng chỉ sau một vài lúc ngắn ngủi dễ chịu, nó biến khỏi tầm mắt và đi vào thế giới lạnh lẽo là nơi mà từ đó nó đã đến. Cũng như thế, con người xuất hiện ngắn ngủi trên trái đất này, nhưng cái gì đi trước sự sống và đi sau cái chết, thì chúng ta hoàn toàn không biết.

Hầu như là một sự cám dỗ không thể cưỡng lại để cùng với Bede và Edwin tin rằng phải có một cái gì đó dành cho chúng ta bên ngoài sảnh tiếp tân. Danh gía của việc chống lại cám dỗ này chỉ là một vật thay thế kém phần gía trị so với những vỗ về của tôn giáo, nhưng nó lại không hoàn toàn không hài lòng về chính nó.

 

http://www.amazon.com/Dreams-Final-Theory-Scientists-Ultimate/dp/0679744088#reader_0679744088

Trang Tôn Giáo