Lữ Giang: Đứng Ở Đâu Trên Lập Trường Dân Tộc?

Trần Đại Linh

http://sachhiem.net/DOITHOAI/TranDaiLinh01.php

31-Jul-2013

From: DiendanDanToc@yahoogroups.com  On Behalf Of Hoang Vuong Dai
Sent: Monday, April 28, 2014 5:56 PM
To: baovechanhphap@googlegroups.com; diendandantoc@yahoogroups.com; thuhuong aust
Subject: [DiendanDanToc] Lữ Giang: Đứng Ở Đâu Trên Lập Trường Dân Tộc? - Trần Đại Linh

Không thể làm thinh trước bài viết “Lữ Giang: Thù Phật Giáo Đến Mù Lương Tri” của Trần Đại Linh, nên ông Lữ Giang đã phải lên tiếng vào ngày 20 tháng 4 năm 2014 trong một bài viết không đầu không đuôi, vừa tiếp tục tung hỏa mù vào lịch sử, vừa bỏ chạy! Điều đó cho thấy ông Lữ Giang lại không đủ kiến thức và lý luận để viết một bài phản bác cho đàng hoàng, đành phải nói phủ lấp để trốn chạy với lý do “Trình độ của Trần Đại Lĩnh [ông Lữ Giang lại cẩu thả đến tên tác giả bài viết mà cũng viết sai, đúng ra là Trần Đại Linh] quá thấp, không đáng tranh luận,” và đổ thừa cho người đọc “Nhưng điều đáng tiếc là một vài người hiểu biết lịch sử Phật Giáo quá ít lại tưởng anh ta nói đúng!

Thực ra cộng đồng Việt trên các diễn đàn không ai lạ gì bản chất xưa nay của ông Lữ Giang: chuyên tung hỏa mù vào các sự kiện lịch sử, chụp mũ cá nhân rồi bỏ chạy!

Ai là “một vài người hiểu biết lịch sử Phật Giáo quá ít”? Nếu chỉ một vài người thì tại sao không thấy ông Lữ Giang nêu tên ra để độc giả tin điều ông viết là đúng. Thật ra đó chỉ là cách gian dối rất lộ liễu và sơ đẳng của ông Lữ Giang mà bất cứ người đọc nào cũng thấy. Và qua đó cho thấy ông Lữ Giang rất xem thường nhận thức của độc giả.

Trong bài viết này, tôi sẽ tiếp tục vạch trần việc ông Lữ Giang vì thù Phật Giáo mà làm mù lương tri để xuyên tạc lịch sử và chụp mũ các tăng sĩ và Phật Giáo Việt Nam trong bài “Một Cuộc ‘Đồng Hành’ Thảm Bại” mà trong bài “Lữ Giang: Thù Phật Giáo Đến Mù Lương Tri” tôi chưa nói hết. Trong bài này tôi cũng sẽ đặt vấn đề ông Lữ Giang đứng ở đâu trên lập trường dân tộc khi ông chụp mũ, vu khống Phật Giáo đồng hành với dân tộc tức đồng hành với cộng sản.

1/ Ông Lữ Giang viết trong “Một Cuộc ‘Đồng Hành’ Thảm Bại” rằng, “Dựa theo phong trào chấn hưng Phật Giáo do Pháp phát động để ru ngủ phong trào chống Pháp.” Trong bài trả lời ngày 20-4, ông Lữ Giang lại viết tiếp rằng, “Nếu Trần Đại Lĩnh chỉ đọc qua bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, tức Thiền Sư Nhất Hạnh, anh ta cũng sẽ thấy người Pháp đã phát động phong trào chấn hung Phật Giáo như thế nào.”

Ông Lữ Giang viết như vậy là hoàn toàn ác ý và cố tình để người đọc nghĩ rằng phong trào chấn hưng Phật Giáo vào đầu thế kỷ 20 đã bị Pháp sử dụng để “ru ngủ phong trào chống Pháp.” Ông Lữ Giang viết như vậy là mới chỉ nói một nửa sự thật, mà một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Cái gian và lòng thù hận của ông Lữ Giang đối với Phật Giáo đã lộ ra nguyên hình ở chỗ này.

Trong “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III” của Nguyễn Lang có đề cập đến  “dư luận cho rằng phong trào phục hưng Phật giáo là một âm mưu của Nhà nước bảo hộ muốn dìm quốc dân vào trong biển ma túy của tôn giáo để họ quên mất sự chống đối ngoại bang.” (Nguồn: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo  Sử Luận III, Chương 26: Khái Quát Về Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo Từ 1930 đến 1945, www.langmai.org )

Tác giả Nguyễn Lang đã cho thấy ông không đồng tình với dư luận ấy và ông đã đưa ra những phản biện của giới tri thức, học giả, Tăng, Ni và cư sĩ Phật Giáo chống lại nguồn dư luận ác ý đó.

Tác giả Nguyễn Lang viết rằng, “Ký giả H.T. của báo Tràng An chủ trương đạo Phật nên để cho người già cả, vì nếu thanh niên mà theo đạo Phật thì... sợ trở nên lười biếng. Ông viết: "Chúng tôi không lấy làm lạ sao đạo Phật đã được Á Đông sùng thượng: nó là đạo của những dân tộc lười. Sống ở thời đại này, thanh niên nước ta không thể lười được nữa... Một dân tộc thờ chủ nghĩa vô vi ở thời đại này thực là đưa mình vào cõi chết, vì chủ nghĩa vô vi là chủ nghĩa tự sát vậy". Từ nhận định đó, nẩy sinh ra sự nghi ngờ là phong trào chấn hưng Phật giáo nằm trong kế hoạch của chính phủ bảo hộ.

“Có hai nguyên nhân làm căn bản cho sự nghi ngờ đó: thứ nhất là Nhà nước bảo hộ đã ký giấy cho phép thành lập các hội Phật giáo một cách tương đối dễ dàng và mau chóng, thứ hai là sự có mặt của một số người được nhận định như là "người của chính quyền" trong lòng một số hội Phật giáo như Trần Nguyên Chấn trong hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Nguyễn Năng Quốc và Lê Dư trong hội Phật giáo Bắc Kỳ. Nhận định của giới sĩ phu trong nước hồi đó thế nào? Ta hãy nghe Phan Khôi giải bày ý kiến của ông trong báo Tràng An: "Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật giáo thịnh thì Việt Nam sẽ trở nên lười, cho nên Pierre Pasquier, toàn quyền là nhà chính trị nham hiểm ký tên cho phép mấy cái hội Phật ở Đông Dương, làm mê họ bằng Phật giáo. Chúng tôi không phải quan cố toàn quyền P. Pasquier, chúng tôi đâu biết được dụng ý của ngài. Chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành, cũng chẳng có cái hiệu quả như thế. Vì chúng tôi lấy lịch sử để làm chứng... Phật giáo sang Tàu từ thời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh. Đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bây giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy vững vàng, tứ di đều thần phục. Xưa nay bên Tàu, quốc thế có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương bắc đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh thì là cái kết quả của cuộc vận động Lý Học. Còn Phật giáo theo lịch sử chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả.

“Phan Khôi không phải là người đạo Phật nhưng đã viết những dòng bênh vực hết lòng cho Phật giáo. Sau khi viết những dòng trên, ông kết luận rằng ông "biểu đồng tình" với nỗ lực chấn hưng Phật giáo.

“Huỳnh Thúc Kháng cũng đã từng phát biểu ý kiến về vấn đề phục hưng Phật giáo. Trong Viên Âm số 3 ra ngày 1.2.1934, ông nói rằng chấn hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân và ông khuyên Viên Âm nên cố gắng.

“Trong khi Viên Âm trả lời những lời công kích trên báo Tràng An thì ở Hà Nội, Đuốc Tuệ cũng nỗ lực chứng minh là sự phục hưng Phật học rất cần cho nhân tâm thế đạo. Phạm Văn Côn viết về Văn Minh Vật Chất Với Đạo Phật, chủ trương không có tinh thần Phật giáo thì văn minh vật chất thay vì tạo nên hạnh phúc sẽ trở thành động lực chiến tranh. Đỗ Trân Bảo dùng uy tín của Lương Khải Siêu, dịch bài Phật Giáo Đối Với Nhân Sự của nhà học giả này, nêu ra những đặc điểm của Phật giáo là trí trí (chống với mê tín), kiêm thiện (chống với độc thiện), yêu đời (chống với chán đời) và tự lực (chống với ỷ lại. Phạm Đình Hòe viết Đức Phật Có Quan Thiết Đến Sự Sống Của Đời Người, cho rằng Phật giáo là linh hồn của cõi Đông Á, bỏ đạo Phật tức là Đông Á không còn; rằng tinh thần của đạo Phật là tinh thần của tự do, bình đẳng rất thích hợp với đời sống mớ.” (Nguồn: Như trên. www.langmai.org )

Trong cuốn “Hoa Sen Trong Biển Lửa” Thiền Sư Nhất Hạnh đã cho thấy tự thân Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam trong các Hội Phật Học của phong trào chấn hưng Phật Giáo vào đầu thế kỷ 20 đã vượt thoát khỏi tình trạng thụ động trước đó để vươn lên thành phong trào hoạt động tích cực đóng góp lớn lao cho sự phục hưng không những Phật Giáo mà còn cho nền văn hóa dân tộc.

“Tuy nhiên các hội Phật giáo dần dần tạo được sinh khí thực sự. Một số các Phật tử hữu tâm đã tham dự vào các hội ấy, và dưới tài đức của họ, đã làm cho các hội ấy trở thành những tổ chức tu học thực sự. Chính các hội này đã đóng góp khá nhiều về vấn đề văn hoá và chỉnh đốn tín ngưỡng, bài trừ mê tín, tạo uy tín trí thức dần dần lại cho Phật giáo. Các tu viện, các Phật học viện được thành lập trở lại và ý thức về một nền Phật giáo dân tộc Việt Nam dần dần được hình thành. Trong những năm ba mươi, các nhà Phật học Việt Nam đã đề cập đến một nền Phật giá ứng dụng vào xã hội mới, gọi là " Nhân Gian Phật Giáo". Đồ Nam Tử và Thiện Chiếu là những người chủ trì thuyết ấy trong bán nguyệt san Đuốc Tuệ, xuất bản tại Hà Nội. Ý thức về một nền Phật giáo dân tộc đã chín muồi khi bộ "Việt Nam Phật Điển Tùng San'' được ấn hành do hội Việt Nam Phật giáo cộng tác với trường Viễn Đông Bác Cổ, và cuốn Phật Giáo Sử Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Việt của thượng toạ Thích Mật Thể ra đời (1942).” (Nguồn: Thích Nhất Hạnh, Hoa Sen Trong Biển Lửa, Chương II: Đối Diện (I), www.langmai.org )

Chính trong “ý thức về một nền Phật Giáo dân tộc Việt Nam” đó mà tăng, ni và Phật tử Việt Nam đã không ngần ngại tham gia hoặc lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để giành lại độc lập cho nước nhà.

Ông Lữ Giang trong bài trả lời Trần Đại Linh ngày 20 tháng 4 vừa qua tự vỗ ngực cho rằng “Tôi đọc rất nhiều và nắm rất vững về Phật Giáo cũng như lịch sử Phật Giáo.” Như vậy, tại sao không thấy ông Lữ Giang nêu vấn đề cho rõ ràng mà chỉ nói úp mở để cho người đọc ngộ nhận? Đây quả thực là bằng cớ cho thấy ông Lữ Giang vừa dốt sử Phật Giáo, vừa thù Phật Giáo đến mù lương tri.

2/ Ông Lữ Giang viết trong bài “Một Cuộc ‘Đồng Hành’ Thảm Bại” rằng, “Năm 1967, Đại Đức Thích Nhất Hạnh cho xuất bản cuốn “Việt Nam, Lotus in a Sea of Fire, a Buddist Proposal for Peace” (Việt Nam, Hoa Sen trong Biển Lửa, một Đề Nghị Hòa Bình của Phật Giáo) để lên án Hoa Kỳ, VNCH và yểm trợ MTGPMN.”

Ông Lữ Giang đề cập đến tác phẩm “Hoa Sen Trong Biển Lửa” của Thầy Nhất Hạnh để cho rằng Thầy Nhất Hạnh “lên án Hoa Kỳ, VNCH và yểm trợ MTGPMN,” là một vu khống gian ác đối với Thầy Nhất Hạnh, bởi vì trong cuốn “Hoa Sen Trong Biển Lửa” không có chỗ nào “lên án Hoa Kỳ, VNCH và yểm trợ MTGPMN” cả.

 Trong “Hoa Sen Trong Biển Lửa” Thầy Nhất Hạnh nói rất rõ về lập trường vận động hòa bình của Phật Giáo Việt Nam lúc bấy giờ là “Con đường đấu tranh của những người Việt không Cộng Sản.” Thầy Nhất Hạnh viết rằng:

“Trên kia, tôi đã có dịp nói rằng con đường duy nhất là tìm cho dân quê một con đường yêu nước và hoà bình không phải là con đường Mặt Trận. Nghĩa là không dẫn tới Cộng  Sản.

Con đường đấu tranh của những người Việt không Cộng sản
Những người Việt Nam không Cộng Sản phải có cơ hội tạo được chính nghĩa cho một con đường yêu nước không Cộng sản và như thế người Hoa Kỳ phải để cho một chính quyền yêu nước độc lập và hoà bình ra đời.” (Nguồn: Thích Nhất Hạnh, Hoa Sen Trong Biển Lửa, Chương 05: Con đường thực hiện –www.langmai.org )

Chính vì lập trường dân tộc tự quyết và không chấp nhận Cộng Sản cho nên Thầy Nhất Hạnh đã bị cả Quốc Gia, Cộng Sản và Mặt Trận Giải Phóng lên án. Thầy Nhất Hạnh viết trong Hoa Sen Trong Biển Lửa:

“Đầu năm 1965, nhà xuất bản Lá Bối ấn hành tập thơ "Chấp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện" của tôi. Tập thơ được quần chúng ưa chuộng: bốn ngàn cuốn được tiêu thụ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Tập thơ ấy sở dĩ được ưa chuộng là vì nói lên được ước vọng hoà bình quần chúng và ý thức phản kháng về cuộc chiến tranh đang tàn phá đất nước quê hương. Nhưng tập thơ  ấy bị hai bên chính quyền Hà Nội  và Sài Gòn và cả Mặt Trận nữa lên án. Sài Gòn có lệnh tịch thu tập thơ, cũng may khi ấy tập thơ đã bán hết. Các đài phát thanh Bắc Kinh, Hà Nội và Giải Phóng cũng công kích nặng lời tập thơ. Một bên thì cho tác giả là Việt Cộng, một bên thì bảo tác giả đã "bị Ngũ Giác Đài và Bạch Cung mua mất linh hồn và thể xác" (Hoàng Hà, Tạp Chí Trí Thức Mới ra ngày 1-6-1965, đăng lại trong tập san Văn Nghệ số 155 ra ngày 1-4-1966, Hà Nội).”

Trong chuyến thăm viếng Hoa Kỳ ngày 1 tháng 6 năm 1966, Thầy Nhất Hạnh đã khẳng định trong Bản Tuyên Bố rằng ông “không bài Mỹ” mà còn hy vọng nơi sự sáng suốt của người Mỹ. Thầy Nhất Hạnh viết rằng, “Trước hết, tôi xin nói để quý vị an lòng  là tôi không bài Mỹ, trái lại, chính vì tôi còn hy vọng nơi sự sáng suốt của người Mỹ nên tôi đã quyết định sang đây dù tôi biết rằng chuyến đi này sẽ gây cho tôi nhiều hiểm nguy khi tôi trở lại Việt Nam.”  (Thích Nhất Hạnh, Hoa Sen Trong Biển Lửa, Chương Phụ Lục, www.langmai.org )

Trả lời câu hỏi của báo chí trong dịp đến Hoa Kỳ nói trên về việc tại sao ông yêu cầu Hoa Kỳ rút quân trước và lập trường của ông đối với quân đội Bắc Việt và Mặt Trận, Thầy Nhất Hạnh nói rằng:

“Cuối cùng, nếu ai có hỏi tại sao tôi yêu cầu Hoa Kỳ nên bước những bước đầu, tôi sẽ nói rằng vì Hoa Kỳ là nước có quân lực hùng mạnh nhất, Hoa Kỳ làm như thế để thực hiện hoà bình thì không ai nói Hoa Kỳ nhát. Để lãnh đạo, không phải chỉ cần súng lớn là đủ. Phải có thực lực tinh thần nữa. Mà lịch sử nước Mỹ chứng tỏ nước Mỹ có thể làm như thế.” 

“Người ta hỏi tôi nghĩ sao về việc quân đội Bắc Việt, họ có phải rút đi chăng và tại sao tôi không lên tiếng đòi hỏi việc đó. Dĩ nhiên là tôi cũng đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân đi. Điều tâm nguyện của chúng tôi là chiến tranh phải chấm dứt, và trong bản tuyên ngôn phổ biến rộng rãi trên thế giới hồi tháng giêng của uỷ ban Lương Tâm Quốc Tế về Việt Nam tựa là "Chúng ta đang giết anh em chúng ta", Mặt trận phải gánh lấy trách nhiệm trong việc chấm dứt chiến tranh.” (Nguồn: Như trên, www.langmai.org )

Không phải chỉ Phật Giáo mới vận động hòa bình cho Việt Nam, mà theo Thầy Nhất Hạnh, giới trí thức Công Giáo Việt Nam cũng đồng tình trong cuộc vận động hòa bình cho dân tộc. Cụ thể là Lời Kêu Gọi của 11 vị linh mục Công Giáo. Thầy Nhất Hạnh viết trong Hoa Sen Trong Biển Lửa như sau:

“Trong một giác thư gửi cho giới trí thức Hoa Kỳ ngày 15-7-1965, giới trí thức Công giáo Việt Nam đã trình bày khá cặn kẽ về tình trạng Việt Nam và đã kết luận:

“Chìa khoá của nền Hoà Bình ở tại chỗ thiết lập một phong trào không Cộng Sản có thể đối thoại ngang hàng với Mặt trận Giải Phóng và đủ lực lượng để buộc đốí thủ tuân theo các điều khoản hoà bình sau này.

"Điều kiện căn bản của hoà bình không thể nào khác hơn là thiết lập một lực lượng dân chủ không liên hệ với một khối nào và trong đó mọi tự do căn bản được tôn trọng, và trong đó Cộng Sản có thể hợp tác để xây dựng một xã hội tiến bộ, đúng với lý tưởng công bằng và tự do." (đăng ở tập Việt Nam Việt Nam số 1, chủ biên: Lê Văn Hảo).

“Cái thấy ấy là cái thấy chung của những người có lương tri và hiểu biết, không những được giới Công giáo chân chính ủng hộ mà còn được giới Phật giáo hoan nghênh nữa. Nhất là khi mười một vị linh mục Công Giáo lên tiếng về vấn đề hoà bình tại Việt Nam, thì giới Phật tử càng thêm vững lòng tin nơi giới trí thức tiến bộ Công giáo. Lời kêu gọi của mười một vị linh mục Công Giáo, đại diện cho giới này, được ấn hành ngày đầu năm 1966, thật đã nói được tiếng nói lương tâm Công Giáo (1).

“(1)  Đây là danh tánh mười một vị linh mục: Đình Khắc Tiêu, Trương Đình Hoà, Hoàng Kim, Nguyễn Thế Kỷ, Vũ Văn Thiện, Đỗ Xuân Quế, Hồ Đình, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Thanh Cao, Trần Viết Thọ, và Trương Bá Căn.

"Xin từ bỏ chủ trương phải lấy chiến thắng làm bảo đảm cho thương thuyết và đình chiến, từ bỏ ý muốn tiêu diệt hay tiêu diệt ý thức hệ bằng bom đạn và xâm lược, vì chỉ thêm tiêu diệt giống nòi, kéo dài thảm trạng chậm tiến và lệ thuộc của đất nước.

"Xin chính quyền của hai miền Nam Bắc bắt tay vào việc đối thoại trong công minh thành thực, để tiến tới hoà bình, vì chỉ khi có hoà bình thực sự mới có cơ dốc toàn lực tạo điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để đồng bào được lựa chọn trong tự do và dân chủ, con đường sống của dân tộc.

"Xin các cường quốc tôn trọng quyền dân tộc tự chủ, tự quyết và đừng làm cho chiến cuộc ở Việt Nam thêm khốc liệt, đi sâu vào con đường bế tắc đến nỗi chỉ còn có thể giải quyết bằng một cuộc chiến tranh thế giới.

"Vì hai miền Nam Bắc và các cường quốc đang trợ giúp đôi bên, trong những điều kiện chiến tranh hiện tại, đã chứng tỏ không thể tự chấm dứt chiến tranh bằng ảo vọng một bên chiến thắng một bên đầu hàng, nên con đường gần như duy nhất hiện nay (ít ra là ít tiết kiệm xương máu nhất) để đưa đến đình chiến, thương thuyết và hoà bình là cùng công nhận và thỉnh cầu sự trung gian và quyền trọng tài của Liên Hiệp Quốc và thành tâm cộng tác với tổ chức ấy." (Nguồn: Thích Nhất Hạnh, Hoa  Sen Trong Biển Lửa, Chương 5: Con Đường Thực Hiện, www.langmai.org )

Những điều như thế sao không thấy ông Lữ Giang viết ra để người đọc có cái nhìn công bằng và chính xác hơn về cá nhân Thầy Nhất Hạnh cũng như lập trường của Phật Giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng trong một giai đoạn biến động của lịch sử Việt Nam.

Ông Lữ Giang còn tung hỏa mù nói rằng 5 điểm của Thầy Nhất Hạnh và của GHPGVNTN giống 5 điểm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN. Làm sao một bên chủ trương vận động hòa bình không Cộng Sản và quyền tự quyết dân tộc lại có thể giống chủ trương của một tổ chức chính trị là con bài tạo miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt? Khi nêu ra mục đích vận động hòa bình không Cộng Sản thì Thầy Nhất Hạnh và những nhà lãnh đạo GHPGVNTN đã xác định rất rõ ràng trước công luận thế giới về lập trường đối nghịch với Cộng Sán Bắc Việt, và cũng để ngăn chận những âm mưu đánh phá và chụp mũ Phật Giáo, như ông Lư Giang đang làm. Khi Thầy Nhất Hạnh và những nhà lãnh đạo GHPGVNTN chủ trương vận động cho quyền tự quyết dân tộc thì chính Cộng Sản Bắc Việt là phe bị thất thế nhất bởi vì chính họ  đi ngược lập trường dân tộc để vong bản chạy theo chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Có phải không ông Lữ Giang? Sao không thấy ông nói đến điều này?

Ông Lữ Giang viết trong bài trả lời Trần Đại Linh ngày 20-4 rằng, “Tôi đọc rất nhiều và nắm rất vũng về Phật Giáo cũng như lịch sử Phật Giáo.”  Nếu quả đúng như thế thì chỉ có một cách hiểu duy nhất là ông Lữ Giang biết rõ mà cố tình dấu đi để chỉ tung hỏa mù làm hoang mang người đọc mà mục đích chính là đánh phá, chụp mũ Phật Giáo vì trong lòng ông chứa đầy thù hận đối với Phật Giáo Việt Nam. 

3/ Trong bài “Một Cuộc ‘Đồng Hành’ Thảm Bại,” ông Lữ Giang sau khi tung hỏa mù vào cuộc đời của một số vị tăng sĩ và lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã đưa ra kết luận chắc nịch rằng “Phật Giáo đồng hành với Đảng Cộng Sản là đồng hành với dân tộc.”

Lời kết án trên cho thấy ông Lữ Giang phạm phải mấy sai lầm nghiêm trọng về kiến thức lịch sử và lập trường dân tộc.

a/Về mặt lịch sử, Phật Giáo có mặt trên đất nước Việt Nam hơn hai ngàn năm nay, trong khi Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ mới có mặt tại Việt Nam từ thập niên 1930 của thế kỷ 20 nghĩa là chưa tới một trăm năm nay. Trong suốt chiều dài hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam đã hòa nhập vào lòng dân tộc như nước với sữa để cùng chia xẻ thăng trầm, vinh nhục, góp phần dựng nước và giữ nước, cùng chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi biên cương của tổ quốc, từ cuộc chiến chống quân Tống, quân Nguyên Mông, đến quân Thanh xâm lăng từ phương Bắc cả ngàn năm, đến cuộc chiến chống thực dân Pháp đô hộ từ phương Tây cả trăm năm. Trong mấy chục năm Cộng Sản cai trị tại miền Bắc, trước năm 1975, Phật Giáo gần như tê liệt, chùa chiền hoang phế vì không có tăng ni thừa kế, trú trì. Sau năm 1975, tại miền Nam, GHPGVNTN bị đặt ra ngoài vòng pháp luật cho đến nay.

b/ Cần phân biệt cho rõ đại khối dân tộc và các chế độ, các thể chế, các chủ nghĩa và đảng phái cai trị đất nước. Người xưa có nói “Quan nhất thời, dân vạn đại.” Đại khối dân tộc thì trường tồn mãi mãi, trong khi các chế độ, các thể chế, các đảng phái chính trị cai trị đất nước thì chỉ tồn tại trong một thời gian giới hạn, như tại Việt Nam thì một triều đại tồn tại lâu nhất cũng chỉ vài trăm năm như triều đại nhà Lý, nhà Trần. Chính vì thế, trong suốt hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam chỉ đồng hành với đại khối dân tộc chứ không đồng hành với các chế độ chính trị, các chủ nghĩa, các thể chế chính quyền cai trị đất nước. Nếu Phật Giáo gắn chặt mình vào với một triều đại, một chế độ chính trị nào đó thì Phật Giáo đã bị diệt vong theo với sự sụp đổ của triều đại, của chế độ chính trị đó rồi, mà không thể tồn tại cho đến ngày nay. Trong chiều dài lịch sử đó, Phật Giáo không chống phá, không thù hận với một triều đại, một chế độ chính trị nào cá biệt. Phật Giáo chỉ chống cái ác trong các triều đại, các chế độ chính trị qua các cuộc vận động để cải thiện, để thay đổi cái ác bằng cái thiện, bằng công bình, tự do, dân chủ cho đại khối dân tộc.

c/ Khi nói “Phật Giáo đồng hành với Đảng Cộng Sản là đồng hành với dân tộc,” tức là ông Lữ Giang cho rằng Đảng Cộng Sản với dân tộc Việt Nam là một, cũng có nghĩa là ông Lữ Giang xác nhận Đảng Cộng Sản có chính nghĩa dân tộc.

Nói tóm lại, Phật Giáo dốc toàn lực để chống Pháp thì ông Lữ Giang cho là bị Pháp lợi dụng để ru ngủ phong trào chống Pháp. Phật Giáo vận động cho quyền tự quyết và nền hòa bình không Cộng Sản cho dân tộc, thì ông Lữ Giang chụp mũ là Cộng Sản. Phật Giáo đồng hành với đại khối dân tộc từ hơn hai ngàn năm nay thì ông Lữ Giang gán cho là “đồng hành với Đảng Cộng Sản là đồng hành với dân tộc.”

Vậy ông Lữ Giang đứng ở đâu trên lập trường dân tộc? Ông Lữ Giang có một lập trường trung trinh với đại khối dân tộc Việt Nam?

Trần Đại Linh

Bài khác của Trần Đại Linh:

- Những Trái Hỏa Mù Của Chu Tất Tiến Trong Bài Viết Đánh Phá Huỳnh Tấn Lê

- Lữ Giang: Đứng Ở Đâu Trên Lập Trường Dân Tộc?

- Chiêu Thức Mới Của Những Kẻ "Đồng Hành Cùng Quân Giặc"

 

Trang Tôn Giáo