●   Bản rời    

Bước Đầu Xa Nhà: Miếng Cơm Cháy Gây Bão!

Bước Đầu Xa Nhà: Miếng Cơm Cháy Gây Bão!

Lý Thái Xuân

Link http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH32.php

10-May-2018

(Còn 3 ngày nữa đến Ngày của Mẹ, con xin viết lại câu chuyện mà con chưa hề kể hết khi mẹ còn sống, vì sợ rằng có vài tình tiết sẽ làm mẹ đau lòng)

Đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hạng Bình Thứ, tôi được vào thẳng trường Trung học công lập ở tỉnh Châu Đốc để học lớp Đệ Tam (nay gọi là lớp 10.) Đó là trường Trung học công lập Thủ Khoa Nghĩa, có các lớp Đệ Nhị Cấp (tức trường trung học cấp 3 thời nay) cách thị trấn Tân Châu 17 kilomet, và một con đò ngang, nhưng lại là gần nhất trong vùng. Đó là năm 1962, năm cuối cùng toàn quốc phải thi bằng Trung Học Đệ Nhất cấp. Năm sau, không còn kỳ thi này nữa, chương trình trung học sau này gồm luôn các lớp 10, 11 rồi thi Tú Tài I, nếu đậu thì lên lớp 12 thi Tú Tài II.

Bình Thứ chỉ trên Thứ, còn thua cả hạng Bình và hạng Ưu, nhưng tất cả các bạn khác của tôi trong thị trấn đều chỉ đậu hạng Thứ, thấp hơn tôi, và đều không được nhận vào trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa, ít nhất là trong khóa mùa Thu! Vì thế, thời gian đầu chỉ có mình tôi đi Châu Đốc, các bạn khác phải tìm trường xa hơn nữa, như Hồng Ngự, Cao Lãnh,... Thời đó, đường xá rất khó đi, ổ gà khắp nơi, xe đò lại chở khẩm người đến nghẹt thở. Vì không có bạn nào cùng trường được vào cùng nên không có thông tin về các chỗ trọ. Mẹ tôi đành tìm người bạn học thuở nhỏ ở Châu Đốc, nên bà gửi gấm đứa con gái mới lên 15 tuổi xa nhà lần đầu tiên. Tôi gọi người bạn của mẹ tôi đó là "Dì Ba." Dì Ba nhất định không nhận tiền trọ vì biết mẹ tôi nghèo khó. Và đây là lý do của nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cả mấy năm học đệ nhị cấp của tôi.

Những ngày trong tình thương của gia đình Dì Ba

Dì Ba sống chung trong nhà của cha mẹ để lại cùng với hai em gái, Dì Sáu và Dì Út. Dì Ba và Dì Út không lấy chồng, cùng mở tiệm thuốc tây. Cả hai bà nuôi hết những đứa con của Dì Sáu, gửi vài đứa đi học trường Tây ở Sài gòn. Dì Sáu sẽ là nhân vật nổi bật của câu chuyện.

Khoảng 1 năm sau, hai vợ chồng người anh Cả của các dì dọn về ở chung, tôi gọi là Cậu Mợ Hai. Như vậy, thường trực trong căn nhà đó có tất cả 8 người: Cậu Mợ Hai, Dì Ba, Dì Sáu, Dì Út, chị Hồng Anh con gái Cậu Hai, và hai trong 4 đứa con gái của Dì Sáu là Hạnh và Huyền. Thêm tôi nữa, tổng cộng là 9 ngưới. Cậu Hai còn 4 người con trai khác, không ở chung nhà, nhưng ghé qua mỗi ngày để ăn vặt. Mỗi lần họ ra khỏi nhà, để lại ngổn ngang những chiếc ly, chén đã dùng. Cậu Hai phân công cho ba đứa con gái trang tuổi nhau là tôi, chị Hạnh và chị Hồng Anh thay phiên rửa chén, mỗi đứa một ngày. Chị Hồng Anh luôn rửa hết chén, bát, nồi niêu trong ngày của chị. Trong lúc đó chị Hạnh thường để lại những cái nồi ngâm nước cho ngày sau tôi phải rửa. Tuy chị Hạnh cùng tuổi với tôi nhưng chị mới đi học tới lớp 5. Còn chị Hồng Anh lại không đi học, chỉ biết đọc và viết. Không hiểu sao chi Hồng Anh rất thương tôi. Thấy tôi ngày nào cũng không có giờ để học bài, chị Hồng Anh luôn bảo tôi ngâm mấy cái nồi để ngày sau chị rửa dùm. Nhưng tôi không muốn thế, và luôn bị chị ấy nài nỉ mãi.

Cũng vì cảm thấy mắc nợ Dì Ba không lấy tiền của mẹ, tôi luôn luôn phụ giúp tất cả việc trong nhà. Ngày nào không đến phiên rửa chén, tôi cũng phải giúp nấu nướng ngay sau khi đi học về. Ngoài ra, tôi còn giặt giũ áo quần cho Dì Ba và Dì Út để hai Dì lo đi tiệm bán thuốc. Tôi còn chịu khó đốt than để ủi cho thẳng các quần áo của hai bà Dì. Tối đến tôi được ngủ trên một cái ghế bố ở góc nhà ngoài phòng khách.

Thế là mọi ngày cũng như thế, tôi chỉ còn trông vào buổi tối, khi mọi người đi ngủ, hy vọng có thể đem bài ra để học trước khi đi ngủ. Ngặt một nổi là không dám xài đèn. Trong nhà bếp có một bóng đèn tròn treo ở bàn ăn, gần giường ngủ của Dì Sáu và em Thanh. Nếu tôi để đèn thì không ai có thể ngủ được. Bên kia vách ngăn bếp là phòng dành cho Cậu Mợ Hai. Thỉnh thoảng Cậu vặn ngọn đèn né-on trong phòng ngủ lên để đọc báo, tôi mừng rỡ vì ánh sáng của nó xuyên qua cửa sổ lọt vào bếp, tôi có thể hứng lấy mà học bài. Nhưng Cậu không đọc lâu, chỉ chừng nửa giờ là tắt đèn. Tôi đã thủ sẵn một cây nến để thắp lên học bài tiếp. Nhưng ngay cả ánh sáng của ngọn nến cũng làm tôi áy náy, sợ Dì Sáu ngủ không được. Tôi có bệnh là rất ngại làm người khác khó chịu vì mình, vì thế không bao giờ có thể tập trung học bài khi phải thắp đèn, dù là ngọn nến, trong lúc cả nhà đều an giấc ngủ.

Có ngày, Dì Út về nhà khuya để làm gì đó, uống một ly nước chanh hay ăn chút bánh ngọt chẳng hạn. Bắt gặp tôi học với cây đèn cầy (nến) bảo rằng sẽ hại mắt, Dì bắt tôi bật bóng đèn điện lên để học. Dì đâu biết tôi ngại biết bao. Có Dì thì làm gì cũng được, Dì đi rồi, ngọn đèn mà tôi dùng để học sẽ là sự khó chịu cho những người nằm trên giường cạnh đó. Sau khi Dì Út bước ra để đi đến nhà thuốc để ngủ, tôi lại tắt ngọn đèn điện và thắp lại cây nến. Nhưng chẳng bao lâu tôi đã ngã gục trên bàn! Thế là bài học luôn dang dở, không có lần nào tôi được học yên.

Trong những người ở nhà đó, Dì Út thương yêu tôi nhất. Trong ba đứa con gái cùng trang lứa trong nhà, tôi ốm yếu, còn hai chị kia chắc chắn hơn nhiều. Mỗi khi chị Hồng Anh và tôi bẻ tay nhau chơi ăn thua, Dì luôn cảnh báo chị Hồng Anh coi chừng tay tôi bị gãy. Mỗi lần tôi về quê thăm gia đình ba mẹ và các em tôi, Dì Út luôn nhét vào cặp tôi cái máy chụp ảnh của Dì, bảo tôi cứ tìm hiểu và chụp chơi. Khổ nỗi, Dì đâu biết nhà tôi nghèo quá, đâu có tiền phí phạm mua phim, rửa hình,... Chưa kể, tôi sợ táy máy rồi làm hư máy của Dì thì làm sao tôi có thể đền bù được! Hết ngày nghỉ, trở qua, tôi lại vác máy ảnh trả lại cho Dì. Lần khác, Dì Út bắt tôi phải mang về cái Radio cho cả nhà nghe. Dọc đường tôi chỉ lo bảo vệ cái radio, sợ nó bị xốc do đường gồ ghề. Đó là những kỷ niệm rất khó quên.

Đáp lại tình thương của Dì Út, sau khi đi học về (thường là sau 12 giờ trưa), dù đói đến đâu, tôi cũng luôn chờ đợi Dì từ nhà thuốc về (thường là 1 giờ hơn) để cùng ăn cho có bạn, trừ phi Dì đã ăn sớm hơn vì có việc thay đổi. Mỗi lần ăn chung như thế, Dì chia sẻ với tôi những giá trị và "nghệ thuật" trong mỗi món ăn hay trong mỗi bài nhạc. Có khi Dì bắt tôi cùng "ngừng nhai" và "nín thở" để thưởng thức trọn vẹn một câu hát của ca sĩ Thanh Thúy. Dì nói "hay ở chỗ nó khàn ngay chữ..." Dì Út và tôi luôn là hai người ăn sau cùng, mỗi lần ăn canh khoai mở nấu tôm thịt và ngò om, Dì thích "vét đáy nồi", và muốn tôi cùng thưởng thức cái ngon của nó. Dì lấy muổng cạo đáy nồi một lằn dài để có khoai cháy đi theo, xong rồi cho tôi cái muỗng khác, bảo tôi làm y hệt như thế. Thế là Dì nạo một đường, tôi nạo một đường cho đến hết đáy nồi mới thôi. Ăn bánh đúc lá dứa cũng là một kỷ niệm. Bánh đúc lá dứa đã thơm ngon hẳn rồi, nhưng nước đường thắng kẹo có rắc mè mới là ngậy. Có lần Dì mua bánh đúc và rủ tôi cùng ăn một đĩa. Khi đã hết bánh, còn lại lớp đường dính trên dĩa, dì bảo rằng cái này phải dơ mới ngon con ạ. - Là sao hả Dì? tôi ngạc nhiên. Dì bảo "Con phải đưa lưỡi ra liếm lớp đường chứ lấy muổng không thể làm sạch được". Thế là Dì làm ngay, và bảo tôi cùng ... dọn sạch cái dĩa đường!!! Kỷ niệm với Dì Út khó thể nào kể hết.

Dì Ba luôn ăn chay nên nồi niêu đều riêng biệt. Dù Dì Ba cũng thương tôi nhưng ít có kỷ niệm như Dì Út. Có lần tôi bị chứng dị ứng, nổi mề đay khắp người. Tôi phải nghỉ học nằm trên giường, và nhịn ăn đủ thứ theo sự suy đoán của các Dì... . Trong lúc đó, ở nhà tổ chức làm bánh quai vạt. Mấy Dì bảo tôi kiêng ăn bánh đó, vì bột bánh cán với mở trừu, độc lắm. Dì Út bỏ vào lon Guigot một số bánh nói rằng khi nào con hết bệnh sẽ ăn. Không những thế, Dì Út cũng không ăn bánh đó trước mặt tôi. Dì bảo "Sợ con thèm." Tôi xúc động nghĩ, trong đời tôi chưa có ai nghĩ cho tôi từng cảm giác như Dì Út, mặc dù chưa chắc tôi đã thèm đến mức đó khi thấy Dì ăn.

Có điều không biết đáng cười hay khóc. Thuở đó không mấy ai có tiền đi bác sĩ. Nhà mấy Dì bán thuốc chẳng lẽ đầu hàng với bệnh nổi mề đay của tôi hay sao. Thế là Dì Út ra tay, đem thuốc về cho tôi uống, luân phiên hai ba thứ. Nhưng gần cả tuần mà tôi vẫn không hết bệnh. Dì Ba lúc ấy mới hỏi Dì Út "mày cho nó uống thuốc nào?", Dì Út kể ra một loạt, toàn thuốc đắt tiền. Dì Ba lắc đầu. Lúc chiều về Dì Ba đem thuốc xổ cho tôi uống, thuốc này rất rẻ tiền. Thế là tất cả những chất độc hay không độc đều tuôn ra cả buổi. Quả nhiên, ngày hôm sau, các vết mề đay dị ứng trên khắp người tôi đều từ từ lặn hết.

Cậu Hai làm nghề chụp ảnh. Tôi không thấy khách đến chụp, giờ nghỉ lại, không biết làm sao Cậu và Mợ có thể sống được. Thỉnh thoảng ông đi núi, nhất là những ngày lễ Vía Bà. Những lần như thế ông thường mua về một trái mít thật to, và bảo chị Hồng Anh xẻ múi lấy hột. Mười lần như một, Cậu dặn chi Hồng Anh: nhớ để cho con Xuân vài múi nghe không?

Có lẽ nào ai cũng thương?

Dì Sáu và mấy đứa con của Dì có lẽ là những người duy nhất không mặn mà với tôi. Dì Sáu như một "đại sứ không thường trực" của nhà. Trong khi Dì Ba và Dì Út bán ở tiệm thuốc đem tiền đi chợ về cho cả nhà, thì ở nhà Mợ Hai và Dì Sáu nấu ăn. Tôi phụ lặt rau nếu có mặt ở đó. Dì Sáu có mối buôn lậu. Có lần tôi đang học bài trưa, Dì Sáu bảo tôi đi theo ra ngoài đường để giúp Dì một việc. Thì ra Dì bảo tôi mang mấy cái bình thủy lên xe cho Dì. Tôi cũng chỉ biết có thế. Dì Sáu nhiều lức gọi tôi là "con" một cách gần gũi, nhưng luôn sai bảo tôi trong lúc không hề đá động tới con gái của Dì ngang tuổi với tôi, không làm gì ngoài việc đọc báo tìm các hình cartoon để xem.

Tôi có cảm tưởng Dì Sáu ganh ghét vì tôi được tất cả những tình thương của các Dì khác và Cậu Mợ hai cũng như chị Hồng Anh. Mỗi ngày trước khi tôi đi học, Dì lay tôi dậy khoảng 5 giờ sáng để lau nhà. Dì bảo:

- "Lau nhà lúc người ta còn ngủ thì dễ hơn. Lau lần đầu là để cho lớp đất trên gạch được mềm. Lần sau mới thật gọi là lau."

Tôi thường bị dị ứng với nước bẩn, bụi bậm, cầm giẻ lau nhà như thế, xả nước, vắt ra,... tôi rất khổ tâm và ghê sợ. Ngày xưa đó không có bao tay bằng ny-lon để bảo vệ bàn tay, không có cây lau nhà như ngày nay. Lại phải vừa ngồi khòm lưng vừa di chuyển từ thềm trước ra tới thềm sau, lưng tôi luôn bị đau sau mỗi lần lau nhà. Đi học với cái vốn liếng lau nhà rửa chén, lặt rau, giặt giũ mỗi ngày như thế, bỗng chốc, từ học sinh giỏi nhất thị trấn tôi trở thành kẻ đi trong rừng, không biết lối ra.

Dì Sáu để lại ký ức tôi vài chuyện vặt khác, nhỏ nhặt nhưng cay độc như tâm hồn của Dì Sáu. Có một ngày Dì Út nhìn thấy chiếc ghế bố tôi ngủ có vài vết sờn, Dì bảo sẽ đặt một chiếc ghế bố khác. Tôi van lơn Dì Út đừng làm thế, tốn kém lắm mà lại không cần thiết. Cuối cùng Dì bảo "Dì sẽ đặt cái ghế bố cho nhà Dì mà, con cản là làm sao?" Tôi không nhớ là Dì Út thật sự đã đặt cái ghế mới hay chưa. Nhưng ngày hôm sau, lúc không có ai ở nhà, Dì Sáu tra vấn tôi:

- Có phải mầy năn nỉ Dì Út mua cái ghế bố khác hay không?

Tôi không thể nuốt được một lời nói nặng nề và bịa đặt như thế, nhưng cũng đáp lại bằng cách kể lại sự thật câu chuyện đã nói với Dì Út như trên. Bỗng Dì Sáu bắt tôi thề. Tôi chưa bao giờ biết thề làm sao cả. Vả lại mẹ tôi luôn dạy "chỉ có những đứa gian xảo mới hay thề thốt. Mình là người đàng hoàng chỉ nói thật thôi." Tôi nói lại cho Dì Sáu lời mẹ tôi dạy như thế, Dì Sáu liền bảo:

- Vậy là mầy nói dối mới không dám thề!

Không còn chịu được nữa, tôi khóc và hỏi : "Thế thì... thề là nói làm sao?"

Dì Sáu bảo tôi nói "nếu nói gian thì xe cán hay chết trôi gì đó." Nếu mầy không nói gian tại sao lại sợ?

Tôi khóc đến sưng mắt, nhưng không hề nói lại cho ai. Không hiểu sao, Dì Út đoán biết là tôi bị Dì Sáu ganh tỵ nên có nhiều buổi sau khi dọn dẹp chén bát sau buổi cơm chiều, Dì Út bắt tôi ngồi lên xe máy cho Dì chở đi bờ sông hóng gió. Tôi từ chối vì muốn tìm chút giờ để học bài, nhưng Dì nài nỉ mãi, tôi đành phải vâng lời. Ngồi trên ghế đá, lơ đãng nhìn ra sông Bassac, Dì Út giải thích cho tôi khía cạnh tâm lý của Dì Sáu. Dì Út nói, "Dì Sáu vì không được anh em trong nhà thương, lại mặc cảm ăn nhờ ở đậu tiền bạc của mấy chị em, nên Dì có tâm lý đặc biệt. Vậy con hiểu tại sao Dì ấy có những hành động như thế rồi chứ. Mà cũng vì thế nên bản thân Dì Út không hùa theo để ghét Dì Sáu." Thế là nước mắt tôi giàn giụa, gật đầu đồng ý mà không phân trần gì cả.

Đương nhiên những chuyện như thế, tôi chỉ giữ trong lòng, không hề dám nói lại cho mẹ tôi nghe. Nói ra rồi làm sao? Ba Mẹ đâu có tiền cho mình ra ở trọ với bạn bè.

Miếng cơm cháy gây bão

Một ngày kia, sau khi tan học, nhựa đường từ trường đến nhà đã chảy và nổi thành bong bóng đen dưới sức nóng buổi trưa hè gay gắt. Tôi uể oải bước về với cái bụng trống, chờ cơm: Không biết hôm nay Dì Út có về sớm hay không. Nếu không thì lại đợi thêm chắc xỉu mất. Chân vừa chạm vào thềm cửa nhà bỗng nghe giọng Dì Ba la lối:

- Tại sao mầy ăn hết phần của con Xuân?

Giọng Dì Sáu trả lời: Hết đâu, còn đó mà, nó ăn như vậy thường ngày, tôi biết mà. Dì Ba ngắt lời:

- Nó có ăn dư thì tao cho chó ăn, không đến lượt mầy.

Tôi sợ quá, tại sao hai Dì đến nỗi này. Không dám bước vào bếp, tôi vội lánh vào bên trong phòng thay quần áo ở đó như một tội phạm đang trốn mọi người. Nghe câu chuyện cãi qua cãi lại ngày càng căng, tôi cảm thấy mình có bổn phận đương đầu với vấn đề, liền bước ra rón rén tiến đến cửa vào bếp và nói như van lơn Dì Ba:

- Con chỉ cần bấy nhiêu là dư rồi, và con rất thích cơm cháy Dì Ba ạ.

Nhưng Dì Ba không nghe tôi nói, tiếp tục la lối Dì Sáu. Tôi nhịn ăn luôn, và đi gom quần áo của Dì Ba đem đi ủi. Hai người tiếp tục cãi nhau và tôi không còn nhớ gì nữa khi cái bụng rỗng tuếch, cái đầu nặng nề, và hai tay run rẩy.

Bỗng Dì Sáu chạy ngang lúc tôi đang gầm xuống ủi quần áo, tát vào mặt tôi một cái ù tai và nói: "Vì mầy mà gia đình tao tan nát!" Tôi ức quá, nhưng chỉ biết khóc mà thôi. Biết nói gì bây giờ.

Có những chuyện chỉ cần hiểu bằng linh cảm chứ không thể bằng lý lẽ. Nếu mọi việc đều có thể giải đáp bằng lý lẽ thì tôi sẽ hỏi: "Con đã làm gì có lỗi trong việc này?" Đương nhiên nếu hỏi thế là đổ dầu vào chảo lửa trong lòng Dì Sáu, vì sẽ không có câu trả lời. Lỗi là các Dì khác và Cậu Mợ Hai đều thương tôi, đã tỏ ra bao bọc cho tôi. Và lỗi của tôi là biết ba mẹ nhà nghèo, không dám đòi tìm nhà trọ khác.

Ảnh minh họa, từ ngoisao.vn

Lần về thăm nhà kỳ này, tôi kể cho ba mẹ nghe chuyện bị Dì Ba và Dì Sáu. Mẹ tôi điếng hồn nhưng không biết tính làm sao. Thật ra bà chẳng còn phương cách nào khác. Tôi đành phải chịu cho đến lúc nhà Dì Ba phải sửa chữa, cả nhà phải dọn tạm ra nơi khác. Lúc đó là lúc tôi có cơ hội để ra đi mà không sợ Dì Ba và Dì Út hiểu lầm.

Từ rắc rối đến tắc lối

Thấy tình thế cấp bách quá, mẹ tôi mới tìm cách hỏi thăm mọi người để gửi tôi cho một người khác. Ba Mẹ tôi vẫn chưa hiểu vấn đề cho đúng. Nhưng tôi không có cách nào làm ra tiền để phụ giúp, đành bó tay chờ gia đình sắp xếp. Lúc này sang năm Đệ nhị, nghĩa là sắp thi Tú Tài I.

Hai người giới thiệu là hai anh em trai mới dọn đến họ đạo ngay thị trấn mà ba mẹ tôi đang ở. Gia đình cũng như cả họ đạo mới thấy hai người này vài lần nhưng chưa biết rõ về họ, và cũng không cần tìm hiểu họ là ai. Thật tình tôi chẳng biết hai người đó làm nghề gì. Ở trong họ đạo, rất thường có những người dạy giáo lý, cũng được gọi là thầy, hoặc đi tu nửa chừng rồi xuất ra, cũng được gọi là thầy. Trưởng ca đoàn cũng gọi là thầy,... Người ta gọi hai anh em này là Thầy Ba và Thầy Tư. Hai người này ở đâu mới đến cũng chẳng ai rõ. Chỉ cần là người đi đạo thì các tín hữu đều tin là "người tốt".

Chả là ông già tôi luôn đặt nặng vấn đề đi đạo (Ca-tô Rô-ma giáo) Hai người ấy nói chuyện với ông già tôi thế nào không biết, mà ông già tôi đồng ý gửi tôi cho hai ông đó đem đi giới thiệu cho một gia đình ở Châu Đốc. Thì ra là vì nhà ấy gần nhà thờ. Nghĩa là tôi được gửi ở trong một nhà hoàn toàn xa lạ với gia đình.

Nghe hai ông thầy đó nói rằng chủ nhà là một ông Trung Tá về hưu, nhưng nhà thanh bần, vợ và con gái nuôi heo kiếm tiền. Tôi về ở đó, không nhớ ba mẹ có đóng tiền bao nhiêu. nhưng mỗi bữa ăn chỉ có cơm nâu và gỏi bông súng. Lâu lâu mới có tí cá cơm kho, ăn nhún nhít cho qua bữa. Chuyện ăn uống có kham khổ cũng không làm tôi buồn. Chỉ có điều từ nhà ông Trung tá này muốn đến trường tôi phải đi ngang qua nhà thờ độ 10 phút, rồi đi thêm 40 phút nữa, vị chi gần 1 tiếng đồng hồ mới đến trường. Lúc về bụng đói càng thấy đường dài thăm thẳm. Ở đây tôi không gặp trường hợp làm việc cả ngày, nhưng đi bộ cả ngày. Chuyện học hành của tôi vẫn không thể khá hơn.

Được chừng vài tháng, thầy Tư đến thăm gia đình Trung Tá và trao cho tôi một lá thư và nhìn tôi bằng cặp mắt quyến luyến. Tôi đoán phần nào ý đồ của lá thư, vào góc nhà tôi mở ra đọc. Lần đầu trong đời tôi đọc một ngôn ngữ tỏ tình, chân tay tôi run rẩy, sợ hãi, không dám đọc hết thư, rồi vội xé bỏ để khỏi nhìn nó. Tôi bắt đầu trốn lánh ông ấy, không muốn nhìn thấy ông ta khi ông ấy đến thăm ông Trung tá nữa. Lần về thăm nhà sau đó, tôi trình bày với mẹ tôi về việc đi bộ xa quá, mỏi chân mau mệt.

Ba mẹ tôi lại tìm được nhà của một người cô họ bên ông già. Nhà cô Sáu ở chính giữa đoạn đường từ nhà thờ lên trường, nên cũng không đến nỗi mỏi chân. Cô có thêm một số học trò ở trọ nên tôi không phải làm việc nhà, nhưng tôi lại gặp vấn đề khác. Không hiểu vì tâm lý sợ hãi hay vì lý do nào khác, tôi bị bóng đè nhiều lần. Số là hai cô con gái của cô Sáu cùng bị chết đuối khi chèo thuyền đi chơi. Xác của hai cô được tìm thấy kẹt trong đám lau sậy ở một con lạch nhỏ nơi hai cô chèo thuyền. Chuyện này xảy ra bao lâu trước đây lúc nào tôi cũng không biết. Chỉ nghe nói nhà cô thỉnh thoảng có ma. Tôi bắt đầu rờn rợn muốn rời nơi đó.

Bấy giờ có mấy cô bạn gái biết nhau từ lớp tiểu học mướn nhà bên bờ kênh Ông Cò đường Thượng Đăng Lễ. Nghe nói sau này con kênh được lấp lại. Lúc này đã gần thi Tú Tài I, ba mẹ tôi cũng đã thấm thía về sự trôi nổi của tôi nên đã cố gắng thử chi tiền cho tôi cùng ở trọ với mấy cô bạn đó. Cuối năm đi thi với số vốn học bài quá ít ỏi nhưng số vốn gian nan thì có thừa, nên kết quả đã được tính trước là thất bại toàn tập. Phải mất thêm một năm học lại ở nhà trọ tôi mới lấy lại một chút phong độ và thi đỗ Tú Tài I.

Ghé thăm nơi cơn bão đi qua

Sau giờ phút mừng vui, tôi ghé về nhà Dì Ba để thăm, và cũng nhân tiện cho cả nhà của Dì hay tin vui của mình. Mới bước vào bậc thềm trước, nơi mà trước đây tôi phải lọm khọm lau nhà trước khi đi học, hôm nay, phía ngang đầu mắt tôi là một tấm ảnh đen trắng của chân dung Dì Sáu cùng với một cái bình đựng tàn nhang. Tôi thảng thốt, ú ớ vừa sợ hãi cái ánh mắt như hai đầu đạn trong ảnh đó nổi lên trên gương mặt đầy ngấn thịt và mỡ, như muốn bắn những viên đạn lửa vào người nhìn. Đúng là gương mặt của Dì Sáu mà trước đây luôn làm tôi bất an, vì Dì Sáu thường tìm cách cười cợt chê bai tôi thế nào đó, hoặc sai tôi làm chuyện bất chánh cho Dì, tôi không bao giờ dám nhìn thẳng Dì. Chị Hạnh bước ra:

- Xuân đó hả? Má tôi mới chết hai tháng trước rồi.

Tôi hỏi khẻ: - Ồ, xin lỗi Hạnh, tôi đi vắng lâu quá, không biết chuyện buồn. Thế làm sao Dì mất vậy? Hằng nói:

- Má tôi bị xe nhà binh đụng lúc bà chạy ngang đường ở bến phà Vàm Cống.

Tôi càng run sợ khi tưởng tượng ra cảnh hãi hùng đó. Còn Hạnh, chị ta luôn luôn tỉnh bơ như ngày xưa vậy. Chỉ được cái Hạnh siêng chăm lo cho cái bàn thờ, đơm hoa quả và thắp nhang thường xuyên. Nhớ lúc còn ở chung nhà, mỗi lần Hạnh bắt thang leo lên các trang thờ để thắp nhang hay đặt trái cây, Cậu Hai bảo:

- "Mày cúng ông cố Tý đó hả?"

Chị Hạnh vẫn không nao núng, không trả lời, cũng không xem trọng. Ngày nay cũng vậy. Cái chết của Dì Sáu là mẹ ruột của Hạnh, rùng rợn như thế, mà Hạnh cũng không ngại kể cho tôi nghe. Tôi không dám nhìn ảnh Dì Sáu lâu, cũng không biết nói gì với Hạnh hơn lời chia buồn rất xã giao như mọi người khác. Trong lòng tôi như trút được một căng thẳng tự năm tháng nào do lo sợ phải gặp Dì Sáu chạy vội vàng ở đâu đó trong thành phố.

Tôi bước vào trong để chào Cậu Mợ. Thấy chị Hồng Anh đang chuẩn bị cho bữa cơm, tôi không dám ở lâu, mau kíu từ để còn đi thăm các Dì ở tiệm thuốc. Chị Hồng Anh chạy theo nắm tay tôi lưu luyến. Đến thăm các Dì ở nhà thuốc là một việc bất tiện, nên tôi cũng không dám nấn ná lâu. Vả lại, tôi không biết trong lòng của Dì Ba và Dì Út nghĩ thế nào đối với sự ra đi của tôi trong thời gian qua. Tôi từ giã mấy Dì trong lúng túng, và cũng không dám nhắc đến Dì Sáu một lời nào.

___________

Bài liên quan:

- Tâm Sự Nơi Mẹ Ngủ – Lý Thái Xuân