●   Bản rời    

Tư Cách Đối Thoại

Tư Cách Đối Thoại

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiDT01.php

11 tháng 1, bổ túc ngày 15 tháng 1, 2009

LTS: Bài viết dưới đây đã được gửi đến diễn đàn VN-Politics như sau:

From: Xuan Ly <lyxthai@yahoo.com> To: VN.Politics@gmail.com Cc: "Mr NHU VAN UY" <nhu.van.uy@free.fr> Date: Wednesday, January 14, 2009, 5:16 AM
Subject: Xin nho Moderator chuyen ra dien dan VN-Politics -Nhu Van Uy

Kính nhờ Moderator của VN-Politics gửi ra diễn đàn dùm tôi bài viết tôi vừa gửi đăng ở sachhiem.net. http://sachhiem.net/DOITHOAI/Lythaixuan1.php. Xin moderator tôn trọng sự công bằng tối thiểu, và cũng là theo yêu cầu của ông Nhữ văn Úy. Tôi gửi trễ mấy ngày vì không biết cách nào để gửi ra diễn đàn VN-Politics. Cám ơn ông.

nhưng diễn đàn VN-Politics đã im lặng. Những bài viết đề cập trong bài dưới đây đều được dẫn bằng cách nối tuyến ở các cụm chữ có gạch dưới. Những bài liên hệ đó là: "Một Trong Ba Thứ" của TS Trần Chung Ngọc, và một số trong các emails của Ông Nhữ Văn Úy đăng trên e-groups VN-Politics.


 

Gần đây thiên hạ nhận được liên tục hàng loạt những lá thư ngắt đoạn và liên tiếp đăng từng kỳ của ông Nhữ văn Úy trong nhóm email VN-Politics mà tôi "bị đọc phải" dù chưa hề ghi tên vào diễn đàn này. Các quan điểm của ông trong đó không phải là vấn đề, vì mỗi người đều có những điều yêu ghét riêng. Có thể có người khoái chí với ông, nhưng cũng có người không muốn đọc tiếp, hoặc rất mực không đồng ý. Nhưng có nhiều đặc điểm về hình thức đáng lưu ý và rất cần được ghi nhận, vì nó định hình rõ rệt tư cách của người viết.

Tư cách của người viết.

Dù là trên báo chí hay sách vở hoặc điện thư (email), tư cách của người viết luôn luôn nói lên một phần nào giá trị của nội dung của bài viết đó. Văn chương Pháp có câu "Le style c'est l' homme" (Văn tức là người) thật chí lý vô cùng. Người đọc bình thường (tức không cần phải thông thái, nhưng cũng không phải hạng ngu dốt) không phải chỉ thấy chữ, mà thấy được con người hiện ra trong các từ ngữ và nhất là cấu trúc câu văn, là văn phong của người viết. Người ngay thẳng thật thà viết ra những lời ngay thẳng chân chất. Người có kiến thức sẽ phơi bày kiến thức cho người đọc thấy ngay. Người thích bề ngoài thì câu văn trống rỗng.  Người mất bình tĩnh sẽ thể hiện ra những chữ vội vàng, hấp tấp. Người thích quát tháo thì chữ nào cũng kêu đồm độp. Người nóng giận thì ắt nói lên cái thái quá, và thường hay sai lạc trong nhận định. Ông bà ta đã chẳng nói "No mất ngon, giận mất khôn" hay sao?

Một bài viết được đưa cho người khác đọc soát hay duyệt (peer review), không phải "kiểm duyệt" của chính quyền, trước khi đăng báo hay xuất bản thường có giá trị hơn là bài tự đăng lấy. Đó là nhờ sự cố gắng giữa hai bên, người viết và người đọc duyệt. Người viết sẽ tự trọng, cố gắng làm cho người duyệt ít bắt được lỗi của mình, và người duyệt là người ở ngoài câu chuyện và ngoài cả tâm sự, tức khách quan, dễ nhìn thấy sơ hở của người viết.

Những kiểu lạm dụng emails

Kể từ khi kỹ thuật vi tính bùng nổ, người ta bắt đầu "tự đăng" các thư hay bài viết bằng rất nhiều hình thức: email, website cá nhân, blogs,... Những phương tiện truyền thông này rất dễ dàng phát triển và dễ bị lạm dụng, nhất là email. Người ta viết thẳng trong khuông text, hoặc gửi attachment những bài viết dưới dạng PPS, hoặc MS-Word, hay PDF, và đường đột gửi ra tất cả các nhóm thư hoặc địa chỉ cá nhân những người mà họ không hề quen biết. Bất kể vì lý do nào, một địa chỉ email lạc vào làn sóng ra-đa (radar) của họ đều bị tóm vào danh sách "thị trường đọc giả" của họ.

Email có thể lập tức giúp họ trở thành những "nhà văn", "nhà thơ" đột khởi. Có người còn muốn trở thành "nhà báo tức thời" (mì ăn liền). Những "nhà báo mì ăn liền" này vào nghề bằng cách tự động ghi tên vào thật nhiều diễn đàn e-groups để mỗi ngày "chuyển bài" từ diễn đàn này ra các diễn đàn khác, và gửi thêm cả những danh sách địa chỉ emails mà họ "sưu tầm" được bằng những cách thiếu minh bạch, bất chính. Tất cả các trường hợp trên đã biến nhiều người từng giao dịch email trở thành các "đọc giả bất đắc dĩ," và trở thành "nạn nhân" của hệ thống các diễn đàn. Mỗi ngày phải mất thì giờ loại bỏ hàng trăm thư như thế, trong lúc thư riêng của bạn mình lại bị chìm lẫn trong những ụ rơm này, và mất luôn.

Một số đông các emails được viết một cách bừa bãi, thiếu tự trọng, lắm khi mất tư cách, cốt muốn giải hết các ứ đọng trong người, "bài tiết" nó ra bằng mọi cách, không cần trang phục xã giao, như đang ở trong phòng vệ sinh, vì ... chẳng ai thấy mặt. Tệ hơn nữa là có những thư chứa đầy lời lẽ du côn, băng đảng, anh chị, bất kể văn hóa, gửi rốt ráo ra nhiều nơi để người nhận một lượt mấy lần một thứ bài viết. Kết quả là "nhồi sọ" theo kiểu "hoang ngôn thiên lập thành chân" (lời nói tầm bậy được lập lại nhiều lần cũng thành chân lý) để vận động hay áp đặt lên đọc giả những tư tưởng theo ý họ.

Trường hợp "ra thời hạn" phải trả lời câu hỏi như trong lá thư thứ hai (2) của ông Nhữ Văn Úy gửi cho ông Trần Chung Ngọc trong tuần lễ vừa qua là một trường hợp điển hình nhất cho kiểu "xắn áo, xắn quần, hất hàm, rút súng" ở đầu đường xó chợ. Một kiểu anh chị như thế sẽ chỉ có thể gặp những người đồng dạng mới dám ra mặt kết làm anh em mà thôi.

Ruột rà thế nào, lời ra thế ấy.

Số đông người sẽ xa lánh những thứ người này, không muốn "chơi với hủi" và "tránh voi không hổ mặt". Nhưng chắc chắn người ta không thể không điện thoại cho nhau để đàm luận và xác nhận gốc gác và tư cách của đương sự.

Thật vậy, những người biết gốc gác của ông Nhữ văn Úy cho rằng ông này chính là ông dân biểu thời cố TT. Nguyễn Văn Thiệu. Riêng người viết bài này xin thêm một câu "Nếu ông Nhữ văn Úy email ngày nay không phải là nhân vật mà chúng tôi được kể lại sau đây, thì tôi hoàn toàn xin lỗi ông về việc hiểu nhầm người trùng tên."

Nghe nói, có một ông dân biểu thời ông Thiệu tên là Nhữ văn Úy, từng làm chủ báo Cái Kiến (hay Con Kiến gì đó) và rất "nổi tiếng" thời đó. Tiếng thứ nhất là "gia nô" (tiếng này có lẽ ông ấy không hay biết). Tiếng thứ nhì là chức dân biểu có liên hệ đến một tờ bạch khế. Tiếng thứ ba là tại nghị trường ông rút súng định bắn ông dân biểu Trần Ngọc Châu. Còn tiếng thứ tư, và cũng là cái tiếng quan trọng nhất vẽ trọn con người của Nhữ văn Úy. Đó là năm 1975, ông Úy dân biểu đó đã lớn tiếng hô hào nhiều người tỵ nạn trở về trên tàu Việt Nam Thương Tín, nhưng chính ông thì chuồn ở lại tỵ nạn bên Pháp. Những điều "nghe nói" trên đều có cơ sở của nó như sau.

Về chữ "gia nô" thì tôi không biết lấy thí dụ cụ thể hành động nào ngày xưa của ông để chứng minh. Nhưng nếu là cùng một nhân vật, thì những lời lẽ và cung cách ngày hôm nay của ông đối với việc cuống cuồng "bảo vệ danh dự" cho gia đình ông Ngô Đình Diệm và Giáo Hội Công Giáo đã tự chứng minh quá rõ ràng. Nếu chỉ là một người dân bình thường, không ai phải điên tiết lên khi có người chê bai một người lãnh đạo, dẫu là người mình yêu thích, vả phải cuống cuồng lo tìm cách "bảo vệ" như thế. Tôi tránh không dùng chữ xác đáng cho việc này, người đọc sẽ tự hiểu lấy.

Ở xứ dân chủ tự do thực sự như Hoa kỳ chẳng hạn, tổng thống này hết nhiệm kỳ thì lại đến thổng thống khác thay thế. Ghét hay thương gì rồi cũng kết thúc ở cuối nhiệm kỳ. Người ta sẽ thoải mái nghe những "bí ẩn" của mấy ông lớn nếu được khai quật về sau. Người viết bài này chưa hề thấy một ông tổng thống Mỹ nào có quyền nuôi gia nô để "bảo vệ danh dự" cho gia đình họ đến ba bốn chục năm sau như trường hợp các đứa "con nuôi" của nhà Ngô như thế. Chắc chắn đó không phải là Tổng Thống của một chế độ dân chủ. Xin xem "Nhận Xét Về Bài 'Cần Thẩm Định Lại ...' của Tôn Thất Thiện." (NMQ)

Về vụ "bạch khế", người viết tôi chưa hiểu rõ chi tiết. Nhưng ông cố vấn chính trị đặc trách liên lạc giữa Phủ Tổng Thống và Quốc Hội thời đó sẽ hiểu rành việc này. Nghe nói ông này hiện còn sống, và đang ở Mỹ.

Hành động "rút súng" đòi bắn người trong nghị trường thì đã rùm beng thiên hạ thời đó. Chuyện này thì nạn nhân sẽ nhớ đời, chắc ông không muốn nhờ "xác minh" nữa. Có ai thấy chế độ nào dân biểu phạm tội hình sự như thế mà vẫn ung dung tự tại, tiếp tục làm dân biểu hay không? Dân biểu của chế độ VNCH "ngon" như thế đấy!

Chuyện hô hào dân tỵ nạn trở về trên tàu Việt Nam Thương Tín năm 1975 cũng có rất nhiều người nghe. Chính những người không nghe lời hô hào của ông, ở lại tỵ nạn, đã nhớ đời cái tên Nhữ văn Úy. Còn ông chắc đã quên những việc klhông ích lợi cho mình như thế.

Trừ khi ông không phải là ông Nhữ Văn Úy "nổi tiếng" như trên, những thành tích thiếu sáng sủa như thế đã bảo đảm cho việc định giá bài viết của ông rồi. Tất cả những điều ông nói cho ông Trần Chung Ngọc đều là những việc ông làm, như sẽ phân tích sau.  Trong lúc ông chỉ tuyên bố bừa bãi khơi khơi, bốc lửa bỏ tay người, thì chính ông lại đầy dẫy bằng chứng có khả năng làm những việc đó.

Nội cái nghề làm báo và làm dân biểu (nhưng thời đó dân chưa hề "biểu" các ông làm gì cả) trong chế độ tham nhũng năm xưa thì người ta cũng đủ biết cái miệng của ông thế nào.  "nhà báo nói láo ăn tiền," và "Miệng nhà quan có gang có thép," ông bà ta nói vậy. Ông Trần Chung Ngọc chỉ làm nghề giáo thì làm sao to miệng được như ông. Mà thật ra, ngay cả trong giới báo chí, có lẽ cũng không còn có một ai hạ cấp hơn để có thể đáp lại ông một cách đích đáng.

"Bố không nói gì cả."

Nghe một người bạn kể lại, khi anh ta đọc bài của ông Nhữ văn Úy cho ông Trần Chung Ngọc, nghe xong thì ông trả lời "Ông ấy đâu có đưa ra được cái bằng chứng hay tài liệu gì đâu. Vậy không có gì đáng quan tâm." Tôi chợt nhớ một mẫu chuyện vui nho nhỏ do một anh bạn khác gửi đến như sau:

Em Tèo mặt mày tiu-nghỉu bước vào bếp, mẹ nó hỏi:
-Bố nói gì, khi biết mày vừa làm móp cái xe cưng của bố?
Tèo: -Mẹ muốn con kể hết lại, hay lược bỏ những tiếng tục?
-Bỏ tiếng tục đi!
Tèo: -Vậy, Bố chẳng nói gì cả!!

Tôi thử trở lại đọc qua 9 lá thư của ông Nhữ văn Úy, nếu bỏ hết những tiếng nói vòng vo tam quốc, nói bông nói hoa, những chỗ tâng bốc "chủ nhân", những câu mạt sát, chửi rủa dối phương, đào mồ quất mả, chụp mũ, miệt thị, cay cú, thì đúng là chẳng còn gì để bàn!

Ông đưa họ Ngô lên mây xanh mây hồng mà chẳng có gì dưới chân để chống đỡ. Ông hạ bệ ông Hồ thì "bới chẳng ra, sà chẳng thấy" chứng cớ. Trái lại, đối với những chứng cớ tài liệu nghiêm chỉnh mà ông Trần Chung Ngọc đưa ra (xin bấm để xem) thì những gia nô và đồng dạng giả bộ hoài nghi. Hoài nghi nhưng không dám truy tìm sự thật để minh xác hay phủ bác.

Người ta ở Mỹ (TS Vũ Ngự Chiêu), phải lặn lội qua Pháp để tra cứu và tìm được tài liệu và tìm thấy bức thư của "ngài giám mục Ngô Đình Thục" của ông. Trái lại, ông ở ngay tại Pháp, (thay vì ngồi viết nhiều thư để chửi ông Trần Chung Ngọc) lại ngại xa xôi không đi được. Xin bấm ở đây để xem lời ông thoái thác.

Thế là thế nào? Những người trung thành như ông luôn muốn "bảo vệ" gia tộc họ Ngô lẽ ra phải tìm dấu tích đó mà kính cẩn xin một copy để dành kỷ niệm. Hoặc tổ chức vận động các gia nô khác viết thơ yêu cầu cái văn khố đó phải hủy bỏ cái thư "trong vòng 48 tiếng đồng hồ" để "bảo vệ danh dự" nhà Ngô. Hoặc chơi kiểu cao bồi "truyền thống," cứ vào văn khố, thư viện, tìm cái thư đó và thủ tiêu tại chỗ, thế là mất hết chứng cớ! Thật ra, ông viết bài chẳng cần đến chứng cớ mà. Bầy tôi sao lại không dám hy sinh chút thì giờ của mình, làm sao "bảo vệ danh dự" cho chủ nhân đây?

Yểm nhĩ đạo linh.

Theo phim Tần Thủy Hoàng, trong sách Lã Thị Xuân Thu có kể câu chuyện gọi là "Yểm nhĩ đạo linh". Một người kia thấy bên hàng xóm có cái phong linh (còn gọi là chuông gió) rất xinh xắn treo trước cửa nhà, ông ta bèn rình rập khi vắng người định ăn cắp cái phong linh đó. Nhưng mỗi lần ông chạm vào, thì các cánh chuông va chạm nhau và reo lên y như bị gió rung. Ông sợ có nguời nghe thấy nên lại lui về. Sau cùng ông quyết định, vì không thể làm cho cái phong linh im tiếng, ông lại bịt hai tai của ông lại trước khi hành sự, để không còn nghe tiếng reo của nó.

Bài học muốn dạy: tuy rằng kẻ cắp này không còn nghe tiếng phong linh sau khi bịt tai, nhưng nó vẫn reo khi ông ta chạm vào nó, và người ta vẫn có thể bắt gặp ông ta ăn trộm như thường.

Thử đọc một đoạn lý thú trong thư thứ hai (2) của ông.

Lợi dụng định nghĩa về VIỆT GIAN, để chứng tỏ mình là một nhân vật đàm luận nghiêm chỉnh, TRẦN TRUNG NGỌC đã đưa ra trước công luận một số những chứng nhân được khép vào tội Việt gian; đại gian đại ác. Các nhân chứng này hoặc đã bị lịch sử kết tội, hoặc chỉ mới bị một bộ phận của dân tộc kết tội.

.... Trường hợp với những tên VIỆT GIAN đã bị lịch sử kết tội được đưa ra làm dẫn chứng là một việc làm đúng đắn, không có gì để phẩm bình; nhưng với những nhân vật mà chỉ mới có một bộ phận của dân tộc kết tội và TRẦN CHUNG NGỌC đứng trong tư thế đó mà "vơ đũa cả nắm" là một thái độ phi lý và mơ hồ đến độ hàm hồ; như trạng thái không bình thường của những kẻ mắc bệnh tâm thần.

Cái ưu điểm của ông Trần Chung Ngọc ("đàm luận nghiêm chỉnh", chứng minh bằng sách vỡ, bằng sử liệu, bằng giấy mực) thì ông lại dè biểu như là một khuyết điểm lớn lao lắm (dùng chữ "lợi dụng"). Ông Nhữ văn Úy không cần biết thiên hạ hiểu chữ "Việt gian" đúng nghĩa như thế nào, cố nhắm mắt bịt tai để cố gượng ép xài chữ VGCS để ru ngủ chính ông ta và những người "tương cận". Như đã phân tích, ông không chứng minh điều gì bằng chứng cớ cả. Ngay đến cụm từ "một bộ phận của dân tộc" là ai, ông cũng mơ hồ.

Trong thư thứ bốn (4), ông liều lĩnh, bất chấp lẽ phải và khẳng định như thật:

.... Nếu đứng trong vị thế vô tư, khi đi tìm một tên VIỆT GIAN, chỉ cần một tên thôi, là ông không cần phải lao tâm khổ trí đi tìm kiếm ở đâu xa, không cần phải moi gan nặn óc để tẩy xóa lịch sử, ông sẽ thấy tên đó ngay; tuy nó đã chết cũng như LÊ CHIÊU THỐNG, cũng như TRẦN ÍCH TẮC, nhưng xác nó vẫn còn bị phơi thây ở Ba Đình cho đời đời nhận diện. Nó, HỒ CHÍ MINH!..

Rõ là ông bịt tai không muốn nghe ai giải thích tiếng Việt gian theo chính nghĩa, là cái nghĩa xứng hợp với gia tộc họ Ngô, "tam đại Việt gian", và những người khác mà các tài liệu nghiên cứu đã nêu ra. Còn nhiều đoạn tương tự trong các thư khác, ông Nhữ văn Úy tuyến bố ngang xương như thế. Ông phải cự tuyệt tất cả định nghĩa nghiêm chỉnh, để ông dùng nó ngược vào cho ông Hồ Chí Minh, người đã đánh đuổi ngoại xâm một cách vẻ vang mà cả thế giới đều biết, điều mà những kẻ theo ngoại xâm chống lại dân tộc không hề muốn nghe. Họ cảm thấy nhục nhã và mang mặc cảm suốt đời về hai chữ Việt gian. Bây giờ họ áp đặt từ đó cho ông Hồ Chí Minh để được nhẹ nhõm với lương tâm. Như vậy có khác nào hành động yểm nhĩ đạo linh?

Trong bài "Một Trong Ba Thứ" của ông Trần Chung Ngọc, đoạn sau đây cho thấy không phải ông "bênh vực" cộng sản tất cả phương diện, mà vì ý nghĩa của chữ Việt gian không thể nào ghép cho cộng sản. Ông phát biểu.

Bất kể Cộng sản là cái gì khác nhưng không thể dùng hai chữ “Việt gian” để gán cho Cộng sản được.

Những nhận xét khác về thư của ông Nhữ văn Úy

Tương tự như thế, người đọc có thể thấy những kiểu viết lật lọng, diễn dịch ưu điểm thành khuyết điểm, bốc lửa bỏ bàn tay người, không hề dẫn chứng, hiện diện trong mỗi lá thư của ông Nhữ.

Thí dụ thêm, trong thư thứ năm (5) của ông Úy:

..... Kẻ có bụng dạ tiểu nhân mà viết về người quân tử, tránh sao khỏi "tiểu nhân hoá người quân tử"? Người có bụng dạ quân tử viết về kẻ tiểu nhân, tránh sao khỏi "quân tử hoá kẻ tiểu nhân"?

Ông cứ nói bừa như thế, chứ không thể tìm một thí dụ việc nào của ai chứng tỏ là "tiểu nhân", và việc nào của ai nói lên lòng "quân tử".

.... TRẦN CHUNG NGỌC đi moi móc những tài liệu.... méo mó giá trị thời cuộc mốc meo ấy, mục đích dùng tiếng ngoại quốc, tên ngoại quốc để tạo uy tín cho chính mình bằng vì làm chuyện ruồi bu đó rõ ràng là hình thức hù doa người thiếu tự tin, tạo niềm tin ảo cho mình; như kẻ gan sứa đi đêm phải đeo buà vẽ bằng nước đái mèo để dùng mùi khai của nước đái mèo làm thuốc kích thích thấm vào cơ thể qua khứu giác (mũi) để tăng can đảm và thêm uy thế!

Tìm một tài liệu dẫn chứng là có được một điều khách quan, có càng nhiều thì mức khách quan càng nhiều, trái lại ông Nhữ văn Úy gọi là "moi móc tài liệu", "méo mó" nhưng không chứng minh "méo mó" chỗ nào. Dùng tài liệu và tiếng ngoại quốc trong lúc chứng minh thì có gì là sai quấy? Ông Ngọc sống ở ngoại quốc, làm ở ngoại quốc, nghiên cứu tài liệu ở ngoại quốc, ông chua thêm chữ nước ngoài là điều khó tránh. Chỉ thắc mắc một ông lớn lên ở Việt Nam, làm việc với người Việt Nam, thế mà có mỗi vài phút phát biểu lại phải thẩy vào một câu tiếng Tây. Ông Nhữ văn Úy nhớ để dành nhận định này gửi cho ông Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt của ông thì hay hơn.

Trong bài viết của ông Trần Chung Ngọc, ông không hề dùng tiếng Pháp để định nghĩa hai chữ “Việt Gian” và phần tiếng Mỹ chỉ để chứng tỏ là quan niệm về “Việt Gian” của người Việt cũng giống như quan niệm về “Mỹ Gian” của người Mỹ: nghĩa là một kẻ giúp kẻ thù phản bội quốc gia của chính mình. Nhưng ông Nhữ Văn Úy có viết một câu về ông Ngọc có thể đúng (xin lỗi ông Ngọc) trong trường hợp này, đó là: dốt nát tiếng Mẹ đẻ, và vốn liếng tiếng Việt đáng nghi ngờ.

Quả thật, vốn liếng tiếng Việt của ông Ngọc và nhiều người nữa chắc chắn thiếu hẳn những từ mà ông Nhữ Văn Úy đã dùng để viết trong bài của ông ấy, những từ mà một người có giáo dục và còn liêm sỉ không bao giờ dùng.

Đã không hề có tài liệu, không thích ông Ngọc dùng tài liệu, nghĩa là ông Úy thích "ăn ốc nói mò". Ấy thế mà trong lá thư thứ 7, ông Úy lại dám dùng chữ "ăn ốc nói mò" gán cho đối phương! Đó là một trong rất nhiều điều ngược ngạo mà ông Úy đã viết.

.......... Bệnh "ăn ốc nói mò" là một bệnh "nói theo", vạn vật học xếp vào "họ hàng" với loại súc vật "nhai lại"; nếu truy lùng vào gia phả hệ truyền từ nhiểu đời lần đến cội rễ thì cùng một gốc tổ tiên là giống trâu.

Bây giờ trở lại mấy câu "tuyên chiến" "ấn tượng" nhất trong thư thứ 2 của ông Úy.

.......... Có thật không trong thời gian thực dân Pháp xâm lăng Việt Nam trước kia, cho đến thời TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM có phải chăng 100% những kẻ theo thực dân bán nước đều là những tên, hoặc là tín đồ, hoặc là tu sĩ đạo Công Giáo? có phải chăng 100% những nhà ái quốc đều là những phần tử không phải tín đồ hay không phải tu sĩ đạo Công giáo?

.......... Yêu cầu Ông TRẦN CHUNG NGỌC phúc đáp cho tôi cũng như cho công luận biết rõ trắng đen về 2 câu hỏi trên để tôi và công luận đánh giá về Ông. .......... Tôi cũng xin thưa rõ với ông rằng, ông có 48 giờ để dứt điểm riêng về vấn đề này, trên diễn đàn VN-Politics ; nếu ông "giải thích" trên diễn đàn khác mà tôi không là độc giả thường trực, mong Ông gửi bản sao nguyên văn cho tôi và độc giả VN-Politics cùng lúc với bản chính ông gửi đến diễn đàn mà ông chọn.

Thật vô duyên hết chỗ nói! Bài "Một Trong Ba Thứ" của ông Ngọc chưa thấy ai gửi cho các egroups, có lẽ lúc đó chỉ mới đăng ở sachhiem.net,  và không có động chạm tí tị nào về cá nhân ông hay cá nhân ai. Ông Nhữ văn Úy chỉ có thể tự ý đọc bài đó ở sachhiem.net, rồi phừng phừng đem ra e-groups VN-Politics treo án và ra lệnh xét xử ông Ngọc nơi đó. Thật ra ông Trần Chung Ngọc còn chưa hay biết ông Nhữ Văn Úy đã viết cái gì và gửi cho ai.  Ông Nhữ văn Úy chẳng biết cái diễn đàn VN-Politics này có ông Trần Chung Ngọc tham gia hay không.  Giả thử ông Trần Chung Ngọc có đọc đi chăng nữa, tại sao ông Trần Chung Ngọc lại phải phúc đáp cho ông ấy?  Vậy cái câu: “ông có 48 giờ để dứt điểm…” có phải là vừa ngớ ngẩn vừa du côn không?

Ông Nhữ văn Úy còn phóng ngôn "tôi và công luận". Vậy những ai là công luận? Công luận đó có giá trị gì không, nhất lại là công luận của những người đã thù ghét ông Trần Chung Ngọc vì ông đã viết lên những sự thật mà họ không muốn nghe, không muốn hiểu.

Mặt khác, nếu ông Nhữ văn Úy đã đọc kỹ bài của ông Trần Chung Ngọc thì ông ấy đã có thể tự trả lời hai câu hỏi của ông ấy rồi. Thật vậy, trong phần viết về “Việt Gian” ông Trần Chung Ngọc có viết:

Chúng ta thấy chỉ vì mù quáng tin vào một điều hoang đường của nền thần học Ki Tô Giáo mà một số người Công giáo Việt Nam đã trở thành “Việt gian”, lưu xú vạn niên.

Nếu ông Nhữ Văn Úy cho rằng "một số" người Công giáo Việt Nam là "100%" người Công giáo Việt Nam thì đó là lối suy nghĩ của ông. Còn câu hỏi thứ hai thì hơi khó, chắc chắn ông Trần Chung Ngọc sẽ phải hỏi lại ông tên tuổi của những tu sĩ hay tín đồ Công giáo nào được gọi là những nhà “ái quốc”.

Không ai loại bỏ sự kiện là trong Công giáo cũng có nhiều người yêu nước, và ông Trần Chung Ngọc chưa bao giờ vơ đũa cả nắm, cho rằng mọi người Công giáo đều là “Việt Gian”. Câu hỏi của ông Nhữ Văn Úy về Công giáo như trên không liên hệ gì đến đề tài cả, vì nó chẳng phủ nhận được sự kiện là những khuôn mặt Công Giáo mà Charlie Nguyễn cũng như Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang đưa ra, hay những người như LM Trần Lục, LM Hoàng Quỳnh, GM Lê Hữu Từ v..v.. chính là “Việt Gian”.

Mặt khác, ông Nhữ văn Úy gọi “Việt Gian Cộng Sản” một cách “vơ đũa cả nắm”, trong khi lịch sử chưa từng lên án một người Cộng sản nào là Việt Gian theo nghĩa “đi làm tay sai cho giặc ngoại xâm, Pháp rồi Mỹ, giúp kẻ thù phản bội quốc gia”.

Ông Trần Chung Ngọc khác với ông ở chỗ chưa bao giờ dùng cụm từ “Việt Gian Công giáo”, đó là sự khác biệt giữa trình độ hiểu biết và tư cách giữa ông Trần Chung Ngọc và ông.

Trong những bài viết tiếp tục về sau này của ông Nhữ văn Úy, người đọc luôn luôn có thể thấy những đặc tính kể trên như đã chứng minh. Đó là: "yểm nhĩ đạo linh", ưu điểm của người lại lật thành khuyết điểm, nói lộn ngược, lật lọng, đem những điều tồi tệ mà chính ông đang làm khoác vào người ông Trần Chung Ngọc, bốc lửa bỏ bàn tay người, và khộng hề dẫn chứng, ... tiếp tục hiện diện trong mỗi lá thư của ông.

 

► Mời xem thêm một vài lá thư về việc đòi "đấu khẩu":

Đáp thư cho ông Nhữ Văn Úy (Lê Trân)

Thư Tác Giả Trần Chung Ngọc Gửi Sachhiem.net (tòa soạn)