●   Bản rời    

Cơn Đau Tràn Bờ (Minh Mẫn)

CƠN ĐAU TRÀN BỜ

Minh Mẫn

http://sachhiem.net/MINHMAN/Chinhtri/Minhman7.php

do tác giả gửi, đăng ngày 26 tháng 11,, 2007

 

 

 

Báo chí, truyền thanh, truyền hình đều loan tải hàng giờ về bão tố, lũ lụt liên tục xẩy ra trên quê hương vốn nghèo đói!

VN ta không rõ sống với bão lụt từ lúc nào, nhưng khi còn bé, tôi đã quen với lụt hàng năm trên vùng đất Thừa Thiên;

 Làng Thanh Hà, Quảng Điền là vùng trũng thấp nên nước đến rất nhanh và rút đi rất chậm. năm mươi năm về trước, lụt đến với quê tôi nó nhẹ nhàn như tuổi thơ lên tám. Dân làng chuẩn bị đón lụt như chuẩn bị giỗ chạp thông lệ hàng năm.Ngoại tôi, chứa rơm trên ỗ cho tôi nằm. Mưa gió không phơi đồ được nên hạn chế xử dụng  đồ vải. Tấm tơi lá thay cho tấm mền, vào mùa nắng, ngoại đi chợ tìm mua được bao tời (bao gạo chỉ xanh làm bằng sợi chỉ bố), thì mùa Đông năm đó tôi được chui vào trong bao để trốn cái lạnh; khoai sắn và bắp rang nhiều hơn cơm gạo; cái bếp cũng kê lên thật cao, lương khô và mọi vật dụng đều được chuẩn bị mấy tháng trước; khi xong việc nhà, ngoại tôi cũng leo lên giường co mình trong tấm nilon nằm nhìn bầu trời u ám, râm rỉ đổ mưa, bên dưới, nước lên xấp xỉ thanh giường. Rắn, chuột, dán, cá…bơi lỉnh nghĩnh trong nước, chúng cố bám vào giường ghế và chỗ nằm của chúng tôi, tôi sợ xanh mặt, ngoại tôi phải xua đuổi chúng ra ngoài bụi tre sau vườn. Chỉ vài hôm là nước lại lặng lẽ rút đi như lũ giặt sau khi tàn phá thôn xóm. Người dân lại thu dọn, sắp xếp lại cuộc sống; lũ trẻ chúng tôi được phen nghịch nước, lấy rỗ vớt cá, lấy giấy xếp thuyền thả trôi; hoặc theo các chú bác ra đồng thăm ruộng trong cái lạnh thấu xương. Lũ trẻ chúng tôi thích mùa nước lũ!

Mãi khi trôi giạt vào Nam, một thời gian dài tôi quên bẵng mùa lũ trên miền trung khốn khổ ấy như quên khoai, sắn, ngô thay cơm mùa nước lụt. Những năm gần đây, người dân được báo động  mỗi năm trên 10 cơn bão và kéo theo lũ lụt, những hình ảnh thê lương xuất hiện trên TV hàng đêm. Năm nay, Thanh Hoá và một số tỉnh phía Bắc hứng chịu nặng nề, giờ đây, Thừa Thiên, Quảng Nam và rồi một số khu vực phía Nam đang chờ đón tai kiếp!!

Chiếc cầu nối liền hai làng: Thanh Hà và An Thành nơi quê tôi đã ngập trong biển nước, một số người dân được di tản trước, lên phố, còn lại thanh niên phụ nữ giữ nhà chống lũ; một số gia đình không có thân nhân trên phố Huế, họ ở lại, nhưng nước tràn về nhanh hơn mọi năm, ngoài dự tính, đã cuốn trôi đi một số trẻ em và người lớn; cùng lúc, đài thông báo con số nạn nhân thiệt mạng trong cơn lũ đã gia tăng một số nơi trong cả nước!

Những ai chưa từng sống chung với lũ và bão, khó cảm nhận cái cảm giác tê tái thê lương, hải hùng của kiếp người trước thiên tai; Từng bàn tay ngoe nguẩy trong dòng nước, trong chốc lát làm quen với Hà Bá; chiếc ca nô bất lực nhìn đứa trẻ chìm dần cách hơn 100m; nhiều gia đình chủ quan, không xoay xở kịp khi nước dâng lên quá nhanh, cửa đóng, leo lên trổ nóc, nhưng không kịp, cả gia đình chọn ngôi nhà làm mồ chôn tập thể. Có  nhiều người ngồi trên nóc, mạng sống mong manh được đếm từng centimet khi nước lên. Chiếc nôi trẻ em cột chặt vào bè tre nối đoạn giây thừng trên nóc nhà, bềnh bồng theo con nước lớn.

Các vùng xa, đoàn tiếp tế khó đến, nên dân vừa lạnh, vừa ướt, vừa đói và khát. Nước chảy xiêt, ca nô và ghe tiếp tế khó đến gần những nạn nhân, một cơn sóng từ ghe thuyền có thể đẩy nạn nhân ngồi cheo leo trên nóc nhà, trên cành cây, rơi xuống nước; Từ xa, thực phẩm thả trôi tấp bất định. Cứ thế, gió lạnh và ngập nước, họ phải chịu nhiều ngày giữa cơn mưa và màn đêm!

Năm trước, có căn nhà để bốn  quan tài song song; không thiếu trẻ em mặt mày hốc hác ngấn lệ nhìn bàn thờ mà người cha đã  vật vã với cuộc sống trên đại dương; và có những gia đình, mạng người cùng tài sản trôi tuột ra biển, chừa lại một trẻ thơ tình cờ sống sót nhờ một nhánh cây. Cơn bảo hung hãn đã từng tốc bay mái tole kéo theo chiếc nôi và em bé bay xa hàng trăm thước, vượt qua một ao trũng lớn và sâu, nhưng bé vẫn vô sự, và cũng có một tín đồ gục chết dưới cây Thánh khi chạy vào nhà thờ trốn bảo tại Bà Rịa Vũng Tàu…

Người dân miền Trung cần cù nhẫn nại, nửa năm tần tảo gầy dựng để cho nửa năm cúng dường Long cung cả thân mạng và tài sản, thế nhưng không ai muốn bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để ra đi, và nhất là những người lớn tuổi không nỡ để nhang tàn khói lạnh trên bàn thờ tiên tổ, mồ xiêu mã lạc không ai chăm sóc; Đất nước ta tuy đẹp nhưng nhiều bảo tố, nhân dân ta tuy thông minh nhưng không vượt nỗi thiên tai.

Ngay cả những thanh niên đàn ông xứ Huế, khi tha phương cầu thực, bổng nghe câu hò, giọng hát quê mình, đều chạnh lòng nhớ lại từng con đường hiu quạnh trầm buồn, từng  dòng người chậm rãi  trên hè phố, từng tà áo trắng thướt tha trong gió.Quốc Học, Trường Tiền, Đông Ba, Nam Giao, Bến Ngự…Linh Mụ, Từ Đàm, Diệu Đế ẩn hiện trong đầu.Giòng Hương Giang uể oải không buồn trôi. Và từng nếp sinh hoạt bình thường nơi thôn làng nằm ven sông nước, từng tiếng trẻ ê a giữa nắng Hè! Nhưng mùa Đông về cũng đồng loã với Bão tố và lũ lụt nhận chìm mãnh đất chung thủy đáng thương như cố nhận chìm bao kỷ niệm của cha ông để lại; Nhã Ca có lý khi nói: Huế đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương! Thế đó, thời chiến Huế từng là nạn nhân của con người, thời bình là con ghẻ của thiên tai!

Giờ đây, Huế không còn Trời hành cơn lụt mỗi năm mà phải hứng chịu sau cơn bão là giông tố, tiếp cơn lụt là nước lũ hung hãn đọa đày, và không chỉ riêng Huế, giờ đây nước nhà thống nhất thì cũng thống nhất luôn cả tai hoạ từ Bắc chí Nam; Hội An, thành phố dễ mến vì nét cổ kính cũng bị sông Thu Bồn đe dọa; rồi Quảng Ngãi, sông Trà Khúc cũng không kịp chào đón  giòng lũ tràn về; phần lớn các tỉnh thành đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của bão tố và lũ lụt.

Sài gòn có thể không bị lũ nhưng không tránh được ảnh hưởng của bão. Dân Sài Gòn chỉ gặp cảnh tắt nghẽn giao thông mà chưa chịu cảnh ngâm mình nhiều ngày đợi chờ nước lũ qua đi. Sài gòn  một vài chỗ bị ngập nước chứ chưa thấy cãnh lụt lội tràn bờ; Người dân TP Hồ chí Minh có thể nhín một buổi ăn sáng để chung góp chia xẻ niềm đau chứ chưa hề vắng khách trong các tiệc nhậu hàng đêm.

Thật xúc động khi các nghệ sĩ đáp ứng lời kêu gọi của các nhà tổ chức văn nghệ gây quỷ  cứu trợ; Thật xúc động khi các cán bộ, công nhân, viên chức trích một ngày lương; Không thiếu các công ty, các mạnh thường quân, tu sĩ tôn giáo mạnh tay bỏ vào thùng từ thiện; có những tu sĩ Phật giáo góp hàng trăm triệu cho công tác cứu lụt, tuy rằng không lâu trước đó, tai nạn lao động cầu Cần Thơ cũng đã có nhiều đóng góp từ trong và ngoài nước; Cơn lũ càng nhiều, bảo tố càng cao thì tình người cũng theo con nước dâng cao lên mãi. Các Việt kiều xa quê cũng không ngớt gửi tiền về giúp đồng bào; Hầu như trước thiên tai dồn dập cho quê hương, lòng thù hận chống đối cũng giảm để dồn về máu mủ ruột thịt tại quê nhà; bởi lẻ, trước cảnh mạng mất nhà tan của quần chúng mà mãi lo thù hận thì lương tri hình như đã bị một phần trôi lạc.Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những tâm hồn đen tối  trục lợi  nhân cái khổ của dân mình!

Cùng với cao trào cứu khổ, nhóm Thiện Nguyện khiếm Thị Hốc Môn  cấp tốc gửi  năm triệu trong ngân quỹ 15 triệu đang có,về giúp Quảng Nam, nhưng tiếc thay, cũng như năm trước gửi qua Bưu Điện huyện, lần nầy gửi qua Ngân Hàng Phát triển Nông Thôn tại Hốc Môn, cũng phải bị đóng phí hết 22 ngàn đồng,( trong bản kê khai nội dung lý do gửi, có ghi  cứu trợ bảo lụt Quảng Nam,nhân viên thu phí  vẫn bắt nộp) tuy số phí thu không đáng là bao,có thể giúp cho một gia đình lâm nạn sống được qua ngày, nhưng với lối hành xử máy móc như thế làm sao khích lệ tình người, nhóm Thiện nguyện tuy mù nhưng tấm lòng còn sáng, biết chia xẻ với đồng bào trong lúc tang thương,thì một ngân hàng sáng mắt chẳng lẻ lương tâm tối hơn và nghèo hơn người mù?

 Hơn mười năm trước, mọi cứu trợ phải qua tay chính quyền địa phương lâm nạn, nhưng bây giờ  người làm từ thiện có thể trực tiếp trao tận tay  nạn nhân, đó là một cải tiến đáng khen, nhưng ngành quản lý ngân hàng, bưu điện vẫn thấy lệ phí lớn hơn  nỗi đau của người dân, vì thế đồng tiền và lợi tức đó càng nhiều thì tình người càng giảm!

Qua một vài sự kiện nhỏ cho thấy, việc đào tạo cán bộ giỏi, chuyên ngành, nhưng thiếu đạo đức xã hội, lương tâm con người, sẽ không hẳn là một cơ chế hoàn hảo để vì dân, thương dân và lo cho dân!

Qua một số nếp sống của giai cấp thượng lưu hiện nay tại một số thành phố , đã thể hiện tinh thần thiếu tương thân, một ít tiền bỏ ra theo lời kêu gọi từ thiện như một nghĩa cử, hình như ít ai quan tâm và thống xót nổi đau hàng giờ của dân mình trong vùng bão lụt; vẫn xe con bóng loáng, vẫn nhà hàng sang trọng, vẫn những rượu ngoại đắt tiền, thậm chí những tấm 100 đô mới tinh nhét vào corset của các em gái nhảy, và trong khách sạn không thiếu những đại gia qua đêm với em út mà đồng tiền đó có thể nuôi nhiều gia đình, giúp nhiều nạn nhân trong cơn hoạn nạn; Cuộc sống Việt Nam tiến theo cơn lốc thị trường, tất cả vì hưởng thụ, tất cả vì lợi nhuận dưới mọi hình thức, vì thế, một số cán bộ, một ít kẻ thời cơ tự mình làm nghèo lương tri như đã từng làm nghèo đất nước mà báo chí từng phanh phui hàng tỷ đô la nướng vào sòng bạc, ăn chơi của những đứa con mẹ Việt mất gốc!

Hàng ngày, những lao động chân chính, họ buôn ve chai, bán vé số, chạy xe ôm chỉ đủ sống mà không đủ tiền cho con ăn học; về đêm, một số công nhân, cán bộ tranh thủ tìm khách chở mướn để có thêm thu nhập, hoặc những bộ đội phục viên, mặc áo xanh cứt ngựa, đội nón cối, bê từng bao mực khô, dao thớt đi bán dạo, họ là những người không nỡ dùng trí khôn để lừa gạt đồng loại, chiếm hữu của người, hoặc họ không có địa vị, điều kiện để sống trên xương máu nhân dân!

Cũng rất may, những thành phần thiếu tình người như thế vẫn còn ít, vì không thiếu những nhân viên nhà nước tận tụy với dân, những nhà kế hoạch xây dựng đất nước vẫn khắc khoải để đưa đất nước lên tầm quốc tế, tranh thủ sự kính nể ưu ái với bè bạn năm châu; và những nhà quản lý tôn giáo lo âu trước những tu sĩ tha hoá và sự bất lực của Phật giáo trước  sự đi lên của quê hương, thiếu đồng bộ. Cái đau hiện nay của PG, không phải Giáo Hội nào mà là Phật giáo phải làm gì có ích cho đất nước; nếu không là người song hành với dân tộc trong thời mở thì cũng đừng làm trì trệ xây dựng quê hương như những cán bộ thối hoá ích kỷ, vì đạo Phật là xả kỷ, vị tha và hoan hỷ!!!

Rồi đây, không lâu nữa, Việt Nam lần đầu tiên trong biên niên sử, đăng cai tổ chức đại lễ Tam Hợp do Liên Hiệp Quốc ủy thác, dĩ nhiên một số người sẽ ngờ vực thiện chí của Việt Nam, xem đó là âm mưu chính trị, nhưng qua nhiều chế độ, những thể chế trước đã làm được gì cho PG như thế; Nếu làm lợi cho chính trị thì trước nhất,Phật Giáo và người PGVN cũng đã có lợi để mừng và hãnh diện quốc tế kỷ niệm đấng cha lành của nhân loại mà các tôn giáo bạn chưa hề được quan tâm, tại sao không vui mà lại mù quáng chống đối? Vả lại, chính trị nào cũng lợi dụng văn hoá và tôn giáo, nhưng không vì thế mà tôn giáo và văn hoá phải bị nhận chìm ngạt thở hoặc phải bị hủy diệt bởi sự đố kỵ, bất mãn nhỏ nhen.

Những tha hoá, tệ nạn xã hội đưa đến đau khổ bất mãn cho người dân, rồi đây cũng phải được rửa sạch cũng như những công trình xây dựng bị rút ruột đưa đến đổ vỡ tan thương, cũng sẽ hoàn thành; cái gì khởi đầu bằng tệ hại cũng sẽ được hoàn chỉnh. Một quốc gia nào hiển vinh không từng trải thời kỳ đen tối! Nhưng đã hơn 30 năm hoà bình về với tổ quốc, đã hơn 70 năm được giáo dục đạo đức Cách Mạng, thế mà vẫn chưa xoá sạch tệ nạn cửa quyền, tham ô, ức hiếp dân lành, một số cán bộ thương thân mình hơn thương dân đen! Hàng ngày vẫn xảy ra  vụ đánh đập, giết hại người dân , học sinh, tu sĩ, trẻ em…mà báo chí lên tiếng. Còn biết bao cái không được biết qua cơ quan truyền thông, các ông hung thần  những địa phương xa xôi sẽ hành xử với dân đen như thế nào?

Lãnh đạo đất nước cũng khổ tâm không ít trước bao tệ nạn trong xã hội, một cơ thể đầy ghẻ tất nhiên không thể một sớm một chiều điều trị hết ngay, nhưng kéo dài cơn đau thì cơ thể sẽ suy kiệt.

Đáng ra, các đoàn thể phi chính phủ có thể chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nhưng  vì tất cả đều  nằm chung một Mặt Trận, chịu sự chi phối điều hành của  tổ chức, nên không thể tự phát triển tiềm năng và thiện ý của mình. Cũng thế, giáo dục quần chúng, xây dựng văn hoá đạo đức cho dân tộc, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phải có trách nhiệm, nhưng , áo không mặt qua khỏi đầu, vì Phật giáo không thể tự quyết cho dù có đủ khả năng như đã từng chứng tỏ thời Lý Trần Lê, chẳng những không làm được gì mà còn trở thành một gánh nặng cho chế độ và bóng mờ  trong xã hội. Tuy PGVN ngày nay nằm trong Mặt Trận, nhưng là đứa con không phát huy hết khả năng của mình khi mọi sự được cha mẹ quyềt định, và cái Giáo Hội hiện nay chỉ là hình ảnh tu sĩ quản lý tu sĩ trong nội bộ tu sĩ mà không can hệ đến đất nước và không có hậu thuẩn quần chúng, vì thế PG dần rời xa quần chúng, có chăng chỉ là những công tác từ thiện cô lẻ như biểu tượng cuối mùa của một tôn giáo về chiều. Đó là hậu quả  tất yếu từ cơ chế quản lý của nhà nước.

Phật Giáo Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng vì nhân tài không được trọng dụng!

Đất nước không thiếu  người lương thiện, nhưng người lương thiện không được nắm giữ những trọng trách trong xã hội và bị những thành phần hủ hoá khống chế!

Dân tộc không thiếu bậc anh minh, nhưng bậc anh minh không thể làm được việc nếu đứng ngoài tổ chức…

Cứ như thế mà cơ chế biến thành cái rọ ràng buộc, trói tay mọi khía cạnh trong xã hội, khó có cơ hội phát triển. Việt Nam ta như một chậu hoa đẹp, đủ khả năng phát tiết tinh anh, nhưng chậu hoa đang được bảo vệ cẩn thận bởi bao lưới chặt chẽ nên hoa lá đều phải ẩn tàng trong không gian nhỏ hẹp. Nhờ quản lý chặt chẽ mà đất nước được an toàn, xã hội được an ninh, nhưng không vì thế mà tinh hoa của dân tộc phải bị mai một, để rồi phát sanh nhiều tệ nạn  như sâu bọ phát triển do chậu hoa bị bịt kín!

Sự dè đạt của nhà nước Việt Nam trước bảo tố văn hoá, chính trị…của tinh cầu là đúng, mở trói dần dần cho thích nghi thời tiết là đúng, nhưng lo sợ quá đáng trước những cám dỗ của thời đại mà hơn 30 năm vẫn chưa dám mạnh tay thay đổi cách quản lý, vì thế đất nước chậm tiến và lạc hậu.

Nhà nước không sợ chống đối mà hãy lắng nghe chống đối từ nhiều phía để xem cái đúng cái sai để hoàn chỉnh.

Nhà nước không sợ những thành phần cực đoan bất mãn mà hãy xét lại cán bộ mình đã đem lại những bất mãn cho dân thế nào!

Nhà nước không sợ áp lực chính trị quốc tế mà hãy  lắng nghe nguyện vọng của quần chúng, vì một thể chế tồn tại là tồn tại từ lòng dân!

Phật giáo không sợ bị cơ chế Mặt Trận ràng buộc mà sợ tự mình không thể hiện đúng bản chất của Thiên Nhân chi Đạo sư.

Phật giáo bị thoái hoá không phải do quản lý quá chặt mà do tự mình đánh mất nội lực và hướng đi.!

Giáo Hội hiện nay bị mất quần chúng không chỉ do Hiến chương trói cột mà do phong cách tu sĩ  sống xa cách quần chúng.

Phật Giáo Việt Nam đang bị co cụm không phải do hạn chế hoằng pháp mà do phương cách hoằng pháp thiếu cập nhật và linh động!

Cán bộ tha hoá không phải do lương không đủ sống mà do nặng giáo dục chính trị, xem nhẹ giáo dục đạo đức tôn giáo và tình người, do  chủ nghĩa thực dụng mà bỏ mất giá trị tâm linh!

Xã hội  mất đạo đức không vì vật chất  thiếu thốn mà vì tâm hồn trống trải lương tri; Tâm linh và vật chất thiếu đồng bộ thì cuộc sống luôn tao loạn!

Thiên tai là định luật của thiên nhiên, tuy nhiên cũng do một phần từ cách sống của con người đối với sinh môi và đạo đức xã hội. Thiên tai không thể triệt tiêu cấp thời nhưng có thể hoán chuyển từ cách sống của nhân loại.

Tệ nạn và tai nạn trong xã hội là quy luật tất yếu của cuộc sống, hoàn toàn do con người quyết định và do sự giáo dục của  các cơ cấu chức năng, có thể  sửa đổi  và cải thiện nếu có một sự giáo dục tận gốc. Chỉ có tôn giáo đủ khả năng cải thiện tâm hồn con người.

Hậu quả thiên tai tuy thảm khốc và đau thương, chỉ diễn ra mỗi năm một lần, và có thể khắc phục do tình người san sẻ. Nhưng hậu quả vô đạo đức trong cuộc sống, không thể khắc phục bằng pháp luật mà bằng đạo đức tình người.

Cơn đau bão tố lụt lội rồi sẽ qua đi, nhưng cơn đau băng hoại trong xã hội hàng ngày hàng giờ làm cho cuộc sống cơ tim bị nhồi máu, vật vả!

Tuổi thơ ngày nay không thể vô tâm lội nước thả bè, bắt cá mà đã cảm nhận cái đe doạ không cùng trước cơn thịnh nộ thiên nhiên!

Xã hội ngày nay không thể sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi mà lý tương duyên, tương tức, tương nhập, tương sinh  của nhà Phật thấm sâu và ẩn hiện trong từng tế bào con người, không cho phép một ai hửng hờ  giữa cái bất toàn của xã hội!

Một chuyến xe ôm không chuyên nghiệp hàng đêm, vì thế tôi không đăng ký bến bãi; muốn có khách, phải lầm lủi trên các đoạn đường vắng; không dám chở đàn ông thanh niên đi khuya, vì vậy phụ nũ cũng hiếm có, một hôm, chợt gặp cô bé không quá 17 tuổi đứng vẫy tay bên vệ đường:

- Đi không anh ?

- Có cháu đi đâu ?

- Khách sạn hay bờ bụi cũng được, rẽ mà, mở hàng dùm em đi!

- Không cháu a! chú đi xe ôm mà!

- Đồ chết tiệt, xui xẻo!

Tôi phóng xe đi còn nghe vọng lại lời nguyền rủa.

Một đêm khác, trong mưa, từ cổng bệnh viện Hốc Môn, một thiếu phụ tay bế con, vai mang túi đi ra hướng quốc lộ, từ chối mọi chào mời của xe ôm nơi bến bãi, tôi rà xe theo để tìm cách giúp, vì biết họ không có tiền:

-         Chị đi về đâu, tôi cho quá giang, không lấy tiền đâu!

Trong ánh sáng chập choạng, người đàn bà không dấu được nét thểu nảo thất vọng, chị nhìn tôi có vẻ ngờ vực! làm gì có người tốt bụng giữa đêm tối gió mưa thế nầy; ngần ngại giây lát, chị đáp:

-         Tôi không có tiền.

-         Tôi cho chị quá giang mà, tôi trên đường  đi làm về.

-         Cháu bệnh nặng, không tiền nằm viện, không tiền mua thuốc, nhà cách đây vài cây số.

-         sao xuất viện về tối thế? Tôi hỏi

-         Em chờ lãnh cơm từ thiện và  xin ai cho đồng nào để về xe, nhưng ai cũng nghèo như mình hết anh a!

 Hoà bình khá lâu mà con em chúng ta vẫn còn vất vưỡng giữa đêm khuya , bán thân kiếm sống.

Đất nước chúng ta xuất khẩu dầu thô, khí đốt, lúa gạo, hàng dệt may và nhiều mặt hàng khác, thế nhưng vẫn có những người không đủ tiền nhập viện chữa trị cho con!

Xã hội ta có nhiều nhà cao tầng, nhiều công ty xí nghiệp, nhiều nhà hàng quán bar mà vẫn còn có nhiều  thân phận cơ cực lầm than!

Cố gắng của  Xã hội Chủ Nghĩa xoá tan giai cấp, nhưng giàu nghèo vẫn còn khoảng cách khá xa, không phải nhà nước không làm được, nhưng cái không làm được là nhà nước chưa giúp cho cán bộ, người dân thám sâu đạo đức tình người sang sẻ chia sớt cho nhau, ý thức cộng đồng.

 Đất nước ta không nghèo, chỉ nghèo tình thương đồng loại.

Cơn đau nầy đã tràn mọi bờ bao trong cuộc sống.

Đất nước ta đẹp

Người dân ta  thông minh cần cù

Tài nguyên ta không thiếu

Nhưng lòng hận thù và tham lam, thiếu độ lượng, thiếu hỷ xả vẫn có thừa để tổ quốc mỗi ngày một thê lương!

 

MINH MẪN

 26/11/07

  Mùa giông tố